Theo Viện Nghiên cứu Da- Giày Việt Nam, một trong những thách thức lớn cho ngành da giầy hiện này là nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Mặc dù là ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng giá trị gia tăng của ngành Da-Giày còn chưa cao do phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu,, hiện Việt Nam mới tự chủ được khoảng 40-50% nguyên phụ liệu.
Công nghiệp hỗ trợ cho ngành Da-Giầy chưa phát triển, một phần do chưa có chính sách khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu và thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực thuộc da trong khi nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao lại thiếu.
Năm 2019, Viện Nghiên cứu Da-Giầy thực hiện Đề án thuộc chương trình phát triển Công Nghiệp Hỗ Trợ năm 2019 của Bộ Công Thương “Hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật về thực hành kỹ thuật và quản lý sản xuất da thuộc đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Da-Giầy Việt Nam."
Viện cho biết, các khóa đào tạo đã thu hút đông đảo học viên từ các doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu, thương mại hoạt động trong lĩnh vực da - giầy trên toàn quốc. Các giảng viên là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thuộc da trong và ngoài nước.
Một trong các giảng viên quen thuộc đã góp mặt là ông Sam Goh Qing Sheng - Chuyên gia thuộc da đến từ Stahl Asia Pacific (Singapore) hướng dẫn thực hành các các loại hóa chất thuộc da mới thân thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng và độ an toàn của sản phẩm da thuộc.
100% học viên tham dự đầy đủ khóa đào tạo và đạt chứng chỉ. (Ảnh: CTV) |
Khóa học được tổ chức hết sức bài bản và nghiêm túc. Sau khóa đào tạo, học viên cán bộ quản lý đã nâng cao kỹ năng quản lý sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và giảm thiểu tác hại đến môi trường; thực hành tốt các công cụ quản lý sản xuất, đồng thời có thể truyền tải nội dung tập huấn cho các cán bộ và cá nhân thụ hưởng khác trong nội bộ đơn vị của mình; công nhân kỹ thuật nắm chắc được lý thuyết cơ bản và nâng cao về công nghệ sản xuất da thuộc và thực hành thành thạo tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Các học viên có ý thức tốt và tinh thần ham học hỏi, 100% học viên tham dự đầy đủ khóa đào tạo và đạt chứng chỉ. Đại diện các doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo đều cho rằng, việc tổ chức những khóa đào tạo chuyên ngành như thế này là rất hữu ích. Đây chính là việc làm thiết thực và hiệu quả, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, để sản phẩm da giày của Việt Nam nâng cao được năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tiếp cận và hội nhập sâu hơn cùng thị trường khu vực và thế giới.
Kết thúc khóa đào tạo, rất nhiều học viên có mong muốn Viện Nghiên cứu Da- Giầy cùng Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức những khóa đào tạo chuyên sâu hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ như nhằm giúp nguồn nhân lực của ngành Da - Giầy được cải thiện góp phần nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Viện Nghiên cứu Da Giầy với vai trò là một Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ về lĩnh vục Da - Giầy đầu ngành trực thuộc Bộ Công Thương sẽ luôn đồng hành cùng với các doanh nghiệp Da Giầy trên cả nước phấn đấu tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thu Ngân