Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa có thông báo gửi Chủ tịch UBND huyện, Phòng TN&MT, Văn phòng đăng ký đất đai về việc đề nghị tạm dừng các hoạt động chuyển nhượng tài sản của cặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Nam (SN 1984, trú thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) và vợ là bà Hoàng Thị Bình (SN 1986).
Theo cơ quan điều tra, hiện đơn vị đang tiến hành xác minh vụ việc có dấu hiệu Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại thị trấn Tiên Điền. Rất nhiều người dân tố cáo cặp vợ chồng nói trên lừa đảo.
"Quá trình xác minh, hiện bà Hoàng Thị Bình không có mặt tại địa phương. Để phục vụ điều tra, ngăn chặn hậu quả thiệt hại, Công an huyện Nghi Xuân đề nghị Phòng TN&MT, Văn phòng đăng ký đất đai... tạm dừng các hoạt động mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn với ông Nguyễn Văn Nam và bà Hoàng Thị Bình", thông báo nêu.
Trắng tay sau khi hùn vốn
Những ngày gần đây, rất đông người dân tập trung đến trụ sở Công ty TNHH XDTM Giang Nam - HT (đóng tại Tổ dân phố Lam Thủy, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân), căng băng rôn, yêu cầu chủ doanh nghiệp này là cặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Nam (giám đốc) và bà Hoàng Thị Bình (kế toán) trả tiền hoặc cung cấp vật liệu xây dựng, theo đúng như cam kết ban đầu.
Có mặt tại trụ sở Giang Nam, anh T.Đ.H (SN 1983, trú xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân) thất thần cho biết: “Vì tin lời vợ chồng ông Nam, mà gia đình tôi đã huy động tiền của người thân, góp vào công ty này 28 tỷ đồng. Đến nay, vợ chồng họ đã trốn chạy, đẩy gia đình tôi vào cảnh trắng tay”.
Anh H. kể, vào tháng 5/2021, bà Hoàng Thị Bình, làm kế toán của công ty nói trên, trình bày việc sắp tới ký hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng nhà ở sắt thép, xi măng… Công ty này thiếu vốn, đang cần huy động để ký lấy đơn hàng vật liệu xây dựng với số lượng lớn.
Ông Nam và bà Bình đã vay của anh H. số tiền 28 tỷ đồng để kinh doanh, chu kỳ trả nợ là hết tháng 12/2021. Tuy nhiên đến hạn thanh toán, anh H. lại không liên lạc được với vợ chồng ông Nam.
“Họ bảo tôi hùn vốn vào dưới hình thức cho vay, họ sẽ cho tôi hưởng phần trăm lợi nhuận trong những chuyến hàng đó. Những lần trước, họ trả tiền và phần trăm lợi nhuận đúng hạn nên tôi tin tưởng. Vì tin tưởng nên đợt mới đây tôi mới cho bà Bình vay số tiền 28 tỷ đồng. Hiện công ty đã đóng cửa, mất liên lạc, tôi buộc phải trình báo công an.
Số tiền này tôi vay của anh em, người thân để cho công ty họ vay. Giờ không đòi lại được, nhiều lúc tôi đã nghĩ quẩn, nhà cửa xe cộ đã phải cầm cắm. Không chỉ riêng gia đình tôi, mà ở huyện này có hàng trăm hộ dân là nạn nhân…”, anh H. rầu rĩ nói.
Mua vật liệu giá ưu đãi… rồi ôm nợ
Theo phản ánh của bà N.T.H (SN 1970, trú xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân), để có vật liệu xây nhà với giá “ưu đãi”, bà đã tin lời bà Hoàng Thị Bình ký hợp đồng đặt cọc 200 triệu đồng.
“Tôi cần vật liệu xây nhà, mọi người giới thiệu bảo Công ty Giang Nam bán vật liệu giá rẻ, nên tôi đến đặt cọc 200 triệu để họ cung cấp xi măng, sắt thép… Tuy nhiên khi nhà mới đổ xong phần móng, tôi gọi họ chở vật liệu xây dựng đến để tiếp tục hoàn thiện công trình thì không liên lạc được. Đến nay bà Bình đang nợ tôi 70 triệu đồng”, bà H. nói.
Đồng cảnh ngộ với hàng trăm hộ dân trên địa bàn, anh L.Đ.Đ (trú thị trấn Xuân An) cũng cho biết, những ngày gần đây, anh Đ. và nhiều hộ dân đã tập trung về trụ sở công ty này để đòi nợ nhưng bất thành.
Anh Đ. nói, sau nhiều năm tích góp tiền của, gia đình anh lên kế hoạch xây dựng căn nhà hai tầng ở thị trấn Xuân An. Qua nhiều lời giới thiệu, anh đến Công ty Giang Nam để đặt cọc mua vật liệu xây dựng.
“Tổng 2 đợt tôi đặt cọc 600 triệu đồng để họ cung cấp gạch, sắt thép, xi măng… Khi nhà đang xây dở, đến giai đoạn làm mái nhà, tôi gọi ông Nam để chở sắt xuống nhưng không liên lạc được. Tôi tìm đến công ty thì thấy đóng cửa im lìm, lúc đó mới biết mình bị lừa. Hiện họ đang nợ tôi số tiền 289 triệu đồng”, anh Đ. nói.
Cũng theo ông Đ., để “dụ dỗ” người dân “xuống tiền cọc”, Công ty Giang Nam đã đưa ra nhiều lời mời gọi “có cánh”.
“Họ bảo cọc bao nhiêu đó thì sẽ được tặng ti vi, tủ lạnh. Giá vật liệu sẽ rẻ hơn bên ngoài từ 5-10%. Trong giai đoạn giá vật liệu tăng, nếu ký hợp đồng thì họ vẫn giữ được giá ổn định cho, chính vì thế hàng trăm người dân mới dính bẫy”, ông Đ. nói.