Nhân duyên từ câu dân ca Ví, Giặm 

Hồng Lựu sinh ra và lớn lên ở xã Đồng Văn - Thanh Chương trong một gia đình có truyền thống hát dân ca. Thuở ấu thơ, chị được thẩm thấu từng làn điệu dân ca của mẹ, lời ru của bà. Sông Lam trở thành mạch nguồn Ví, Giặm ăn sâu và chảy mãi trong đời sống tâm hồn của chị cùng bao người dân xứ Nghệ.  

Năm 1987, chị vào thực tập ở Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh (sau này đổi thành Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Nghệ Tĩnh, nay là Nghệ An).

Trong lần cả đoàn tập vở kịch Vua hóa hổ của tác giả Lưu Quang Vũ, Hồng Lựu được đóng vai Thảo. Sau buổi tập của 3 anh em An Ninh, Hồng Lựu, Danh Cách, cả đoàn tích cực vun vén cho đôi nghệ sĩ trẻ tài hoa. Tình yêu của anh chị dần nảy nở bởi sự kính trọng tài năng diễn xuất, sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng trên sân khấu. An Ninh soạn lời và dạy cho Hồng Lựu hát nhiều làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. 

Khi mới lập nghiệp, Hồng Lựu quê Nghệ An, An Ninh quê Hà Tĩnh. Đời sống nghệ sĩ thời bao cấp chật vật, nuôi con nhỏ nên nhiều khó khăn. Chị từng vài lần nghĩ phải bỏ nghề. Nhưng may mắn luôn có anh cùng công tác một đoàn nghệ thuật, trăn trở và say đắm với dân ca Ví, Giặm động viên nhau sống vì nghề. Anh soạn lời, sáng tác nhạc, chị diễn hát. Anh góp ý, chỉnh sửa, nắn nót để chị tập luyện thành thục và tự tin thể hiện trên sân khấu.

Vở kịch hát Nàng Mai tế chồng do nghệ sĩ Hoa Ban đạo diễn tạo thêm nhân duyên sâu sắc giữa cặp vợ chồng Ví, Giặm.

Những người yêu dân ca Nghệ Tĩnh sẽ khó quên khi được một lần được nghe Hồng Lựu hát bài Phụ tử tình thâm trên rất nhiều sân khấu. "Người Nghệ xưa nay không chỉ ru con mà còn ru mình, tự lục vấn mình qua câu ca Ví Giặm” - chị tâm sự.

Theo nữ nghệ sĩ Hồng Lựu: “Dân ca Ví, Giặm xuất phát từ sinh hoạt cộng đồng của người dân Nghệ Tĩnh, thể hiện chất trữ tình, nhân văn. Mỗi câu ca, làn điệu luôn là sự lắng đọng của một triết lý sống chất chứa yêu thương. Người dân xứ Nghệ có thể đi cấy, dệt vải, chèo đò, kéo lưới, ru con… tùy theo từng hoàn cảnh mà có cách đặt tên các làn điệu khác nhau như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường củi cỏ và các điệu Giặm Đức Sơn, Giặm kể, Giặm khuyên, Giặm ru…”.

Suốt chặng đường dài với nghệ thuật, khi đã lên sân khấu dù là kịch nói hay kịch hát, dù là vào vai chính hay phụ, đào thương hay đào lệch, Hồng Lựu đều để lại những dấu ấn đặc biệt với giọng hát truyền cảm, sâu lắng góp phần mang lại cho chị danh hiệu NSƯT vào năm 2001. Ngày 19/5/2012, Hồng Lựu được phong tặng danh hiệu NSND. Danh hiệu cao quý đánh dấu chặng đường phấn đấu vì nghệ thuật đưa câu ca xứ Nghệ bay xa.

Năm 2023, chồng chị, NSƯT Nguyễn An Ninh, nguyên Trưởng đoàn, Chỉ đạo nghệ thuật Đoàn dân ca Ví, Giặm - Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An cũng được phong tặng danh hiệu NSND. 

z6072781123711_bcfc4562e2c0940c928a76affa902c8a.jpg
Hai vợ chồng NSND Hồng Lựu - An Ninh

Các thế hệ cùng lan tỏa giai điệu quê hương

Thành quả cho sự cống hiến không chỉ dừng lại danh hiệu NSND cao quý, những tấm huy chương, bằng khen các cấp, vợ chồng NSND An Ninh - Hồng Lựu đồng thời là những người thầy đào tạo nhiều thế hệ học trò.

Cả hai người con của anh chị đều thừa hưởng gen nghệ thuật theo truyền thống gia đình. Con trai cả là thiếu tá Hoàng Anh, đang công tác ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Hoàng Anh đã có nhiều tác phẩm được giới thiệu trên sóng truyền hình như: Dòng sông Ví Giặm, Duyên phường vải, Sông chờ, Ru bão

Con gái Hoàng Yến hiện là giảng viên Khoa múa, Trường Đại học VHNT Quân đội. Hoàng Yến đã giành giải Nhất trong cuộc thi Tài năng múa toàn quốc năm 2023 với tác phẩm Nam phương mẫu tếĐào liễu.

Ánh mắt của NSND Hồng Lựu sáng lên niềm tự hào khi kể về những học trò mà vợ chồng anh chị đã dìu dắt như: NSƯT Minh Thành, NSƯT Thiên Huế, NSƯT Minh Thông, nghệ sĩ Trọng Hòa, Văn Lục, Mạnh Lâm, Trần Tiến, Hải Lý, Phương Liên… Đặc biệt có 3 học trò tuy tuổi đời còn trẻ nhưng đã đứng trên nhiều sân khấu lớn là Văn Sang, Lê Thanh Phong, Hà Quỳnh Như.

z6072780853826_d0f7710ebd258f75b2301be12b6f2670.jpg
NSND Hồng Lựu và cậu học trò xuất sắc Lê Thanh Phong vừa được nhận Bằng khen vì những đóng góp cho dân ca Ví, Giặm của Bộ VHTTDL.

NSND Hồng Lựu thường nhắc nhở các thế hệ học trò muốn trở thành một nghệ sĩ hát Ví, Giặm giỏi, ngoài chất giọng trời phú phải có niềm đam mê, phải học nhiều về lịch sử và văn học dân gian để không bị hát sai lời.

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa vật thể đại diện của nhân loại tròn 10 năm. Nhưng trước đó, để có được hồ sơ trình UNESCO thẩm định và ra quyết định công nhận, vợ chồng An Ninh - Hồng Lựu cùng nhiều đồng nghiệp đã dày công sưu tầm các nguồn tư liệu làm nên kịch bản phim nổi tiếng Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Tiếng nói từ cộng đồng

Năm 2020, Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca Nghệ Tĩnh và Đoàn ca múa dân tộc tỉnh Nghệ An, NSND Hồng Lựu được bổ nhiệm là quyền Giám đốc, sau đó là Giám đốc. Dù ở vị trí một nghệ sĩ hay nhà quản lý, khán giả luôn thấy chị tình yêu vô bờ bến với dân ca Nghệ Tĩnh, cộng thêm sự tận tụy, miệt mài cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

“Trong nhiều năm gần đây, chúng tôi đã tích cực xây dựng nhiều vở diễn hay có sức lay động tới nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chú trọng về cách tiếp cận với khán thính giả từ sân khấu đến các nền tảng mạng xã hội. Nhiều chương trình đã biểu diễn hàng chục lần ở sân khấu lớn nhưng vẫn được khán thính giả yêu cầu diễn lại”, NSND Hồng Lựu bày tỏ.