Năm 2023, khi cảnh sát địa phương ở Pháp tới can thiệp vụ tranh chấp thì phát hiện trong căn hộ của một cặp vợ chồng, hàng chục động vật đang rơi vào tình trạng bị mất nước, suy dinh dưỡng, đầy ký sinh trùng, thậm chí là có cả thương tích.
Trong một phòng tắm, các điều tra viên cũng tìm thấy xác của ít nhất 2 con mèo và 2 con chó con.
BBC sau đó đưa tin cặp vợ chồng này đã sống với tổng cộng 159 con mèo và 7 con chó trong căn hộ rộng 80m2 ở Nice. Cả hai sau đó bị kết án án tù treo một năm và cấm nuôi thú cưng vĩnh viễn.
Người chủ thú cưng trong vụ việc đã được chuyên gia tâm lý đánh giá tình trạng tinh thần và xác định mắc hội chứng Noah, hay còn gọi là "tích trữ động vật".
Hội chứng này được đặt tên dựa theo nhân vật trong Kinh Thánh - Noah - người đã chế tạo con tàu khổng lồ và đưa số lượng lớn động vật lên tàu.
Trên thực tế, rất ít người biết về hội chứng ám ảnh sở hữu động vật nhưng đây là vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Katherine Compitus và Kathryne Gerol, ám ảnh sở hữu động vật có thể được định nghĩa là việc giữ một số lượng lớn động vật nhiều hơn bình thường mà không có khả năng chăm sóc, cung cấp tiêu chuẩn tối thiểu về dinh dưỡng và vệ sinh cho chúng.
Những người có nỗi ám ảnh sở hữu động vật thường sống trong cảnh khốn cùng: Nước tiểu và phân có thể làm ố tường, sàn nhà, trong khi ngôi nhà xuống cấp do điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Có khoảng 2.000 trường hợp mới mắc chứng ám ảnh sở hữu động vật được xác định ở Mỹ mỗi năm. Con số sau những cánh cửa đóng kín có thể còn cao hơn.
Nguy hại cộng đồng
Hiệp hội Tâm thần Mỹ chỉ ra nỗi ám ảnh trên có thể ảnh hưởng đến 2-5% dân số trưởng thành ở nước này.
Việc nuôi nhiều động vật mà không đảm bảo chăm sóc đúng cách có thể gây nguy cơ sức khỏe cho chính những con vật này. Ngoài việc thiếu không gian sống, tình trạng quá đông đúc cũng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan giữa các loài động vật, thậm chí là nguồn lây bệnh tới khu dân cư xung quanh.
Các loài động vật được tích trữ phổ biến nhất là mèo và chó, ngoài ra còn có thể bao gồm chim, ngựa, gia súc...
Theo Psychology Today, từng có phụ nữ mắc chứng ám ảnh sở hữu động vật, trên 60 tuổi, đã nuôi và thu nhận hơn 40 con vật trong hơn 20 năm.
Nỗi ám ảnh sở hữu động vật phức tạp hơn nhiều so với ám ảnh tích trữ đồ vật, bởi nó xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau.
Trong nghiên cứu của mình, Randall Lockwood đưa ra 3 kiểu người cơ bản: Người chăm sóc quá tải (Overwhelmed Caregiver - OC), Người tích trữ giải cứu (Rescue Hoarder - RH) và Người tích trữ lợi dụng (Exploiter Hoarder).
Hai kiểu người đầu tiên có thể mắc chứng rối loạn ảo tưởng như "phức cảm cứu rỗi". Họ tin rằng họ đang giúp đỡ động vật, bất chấp bệnh tật và tình trạng của chúng ngày càng xấu đi.
“Người chăm sóc quá tải" thường là người cảm thấy có trách nhiệm chăm sóc động vật, nhưng bị áp đặt hoặc áp lực quá mức bởi số lượng động vật cần chăm sóc. Điều này thường xảy ra sau biến động cuộc sống bao gồm sức khỏe, tình trạng kinh tế, xã hội hoặc nghề nghiệp.
Người OC thường có mối liên kết mạnh mẽ với động vật của mình và cố gắng để chăm sóc chúng. Tuy nhiên, họ thường không thể đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc của tất cả động vật.
“Người tích trữ giải cứu” là dạng phổ biến nhất trong số những người mắc chứng ám ảnh sở hữu quá nhiều động vật.
Họ cảm thấy bị thúc đẩy về mặt cảm xúc để "giải cứu" tất cả loài động vật và có thể từ chối mọi khả năng an tử, ngay cả khi một con vật bị bệnh nan y hay đang phải chịu cơn đau.
Họ thường bất hợp tác khi chính quyền cố gắng can thiệp vì không nhận ra tác hại mà họ đang gây ra. Ngoài ra, họ có thể coi cơ quan kiểm soát động vật là kẻ thù vì cố gắng loại bỏ những con vật khỏi sự chăm sóc của họ.
Trong số 3 loại người trên, “người tích trữ lợi dụng" khó quản lý nhất vì họ có khả năng mắc cả chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Họ có thể nhận thức được về tình trạng của mình, nhưng thiếu lòng cảm thông với con người hoặc động vật và có động lực tích trữ động vật bởi lợi ích tài chính.
Nâng cao nhận thức
Chưa có phương pháp trị liệu nào được xác nhận đối với người mắc hội chứng ám ảnh sở hữu động vật.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều nghiên cứu về phương pháp trị liệu hội chứng này. Tuy nhiên, tỷ lệ bỏ cuộc cao và kết quả trị liệu không mấy hiệu quả.
Các phương pháp tiếp cận hiện thường được sử dụng bao gồm liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT), phòng ngừa tái phát và giảm thiểu tổn thương.
Cách đối phó tốt nhất để xử lý vấn đề này cho đến nay là phát hiện sớm các trường hợp mắc ám ảnh sở hữu động vật và phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết.
Hiệp hội Phòng chống Hành vi tàn ác đối với Động vật Mỹ (ASPCA) đã triển khai chương trình kết hợp các chuyên gia như nhân viên xã hội, bác sĩ thú y, nhà nghiên cứu hành vi động vật, cơ quan thực thi pháp luật nhân đạo và một loạt cơ quan dịch vụ con người cùng động vật khác.
Theo Tiến sĩ Katherine Compitus và Kathryne Gerol, xã hội có xu hướng “phản diện hóa” người mắc hội chứng Noah, đặc biệt là khi nhìn thấy hình ảnh ngôi nhà bẩn thỉu với những con vật ốm yếu.
Nhưng chúng ta phải thừa nhận đây là hội chứng tâm thần nghiêm trọng cần được trị liệu, chứ không chỉ đơn thuần là do ý muốn hay lựa chọn cá nhân.
Nếu muốn giảm số ca "tích trữ động vật" một cách hiệu quả, chúng ta phải nâng cao nhận thức về hội chứng này và tích cực theo đuổi nhiều nghiên cứu trị liệu hơn.
Theo Znews
100 con chó Husky trốn khỏi quán cà phê, náo loạn trung tâm thương mại
Phụ nữ Trung Quốc nuôi chó, mèo thay con
Thay vì kết hôn, sinh con, nhiều phụ nữ sinh sau năm 1980, có học thức cao chọn nuôi thú cưng, dành thời gian, tiền bạc để chăm sóc chúng như người thân.