Lần đầu được xuất bản ở Việt Nam cách đây gần 10 năm, Nữ hoàng Ai Cập đã tạo ra một làn sóng hâm mộ trong giới fan hâm mộ truyện tranh khắp mọi miền. Không chỉ lôi cuốn những fan truyện tranh thứ thiệt, Nữ hoàng Ai Cập còn được một số bậc phụ huynh yêu thích sau khi vô tình đọc được một tập nào đó của truyện này. Có thể nói vào thời điểm Nữ Hoàng Ai Cập được xuất bản lần đầu tại Việt Nam, đó là bộ truyện tranh có nét vẽ đẹp nhất với cốt chuyện được đan xen nhiều thủ đoạn chính trị và tranh giành tình cảm. Chính nhờ vậy mà bộ truyện nhanh chóng giành được sự yêu thích rộng rãi khắp mọi miền đất nước, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở những nơi tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, đưa độ "Hot" của truyện lên ngang tầm Bảy viên ngọc rồng và Thám tử lừng danh Conan.
Nữ hoàng Ai Cập là tác phẩm của nữ tác giả truyện tranh Chieko Hosokawa, có tên gốc là Ouke no Monshou. Tác phẩm này được tác giả bắt đầu sáng tác từ năm 1976, và cho đến nay, sau hơn 30 năm, bộ truyện đã được xuất bản đến tập 71 và tác giả vẫn đang tiếp tục sáng tác.
Nữ hoàng Ai Cập là câu chuyện xoay quanh nữ nhân vật chính Carol, một nữ sinh viên khảo cổ học người Mỹ khi cô vô tình rơi xuống dòng sông Nile và bị đưa trở lại Ai Cập thời cổ đại. Tại đây, cô đã gặp vị hoàng đế trẻ của Ai Cập thời bấy giờ - Menfuisu và nhanh chóng lọt vào mắt xanh của Menfuisu rồi trở thành hoàng phi Ai Cập sau khi vượt qua nhiều âm mưu cản trở, ám hại. Nhờ những kiến thức phổ thông cô có từ thời hiện đại, Carol cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của dân chúng Ai Cập cổ đại và được tôn làm Người con gái sông Nile, là nữ thần của người Ai Cập. Sau khi trở thành vợ của Menfuisu, Carol đã không ít lần rơi vào cảnh nguy hiểm nhưng nhờ sự thông minh của mình cùng sự xả thân ứng cứu của chồng, cô đã nhiều lần thoát hiểm và giúp Ai Cập chống lại những âm mưu thù địch nhằm thôn tính quốc gia này.
Với những tuyến nhân vật rõ ràng cùng những nhân vật được phác họa tuyệt đẹp đi kèm cá tính độc đáo và quyến rũ, Nữ Hoàng Ai Cập đưa độc giả đi từ cuộc phiêu lưư ở vùng đất xa xôi này đến vùng đất hoang sơ nọ của thời cổ đại cùng những kỳ quan hùng vĩ của thời bấy giờ.
Tuy nhiên thời hoàng kim của Nữ hoàng Ai Cập nhanh chóng kết thúc khi phần lớn fan hâm mộ cuồng nhiệt bộ truyện này ở Việt Nam quay lưng, trở thành anti-fan. Những tình tiết trong truyện như Carol bị kẻ thù ngoại quốc đang nhăm nhe chiếm Ai Cập bắt cóc, khiến hoàng đế Ai Cập Menfuisu luôn sống trong tâm trạng lo lắng bất an và liên tục phải thân chinh dẫn quân đi giải cứu cho cô vợ ngây thơ...cứ lặp đi lặp lại theo cùng một mô-típ nội dung khiến không chỉ độc giả mà có lẽ ngay cả các nhân vật trong truyện cũng phải mệt nhoài vì cứ phải lặp đi lặp lại quá trình Carol bị bắt cóc rồi Menfuisu miệt mài đi cứu.
Có lẽ không có gì đáng sợ hơn khi một ai đó bị fan quay lưng và trở thành anti fan bởi chính những người này là người hiểu rõ tác phẩm, nhân vật nhất. Những nhân vật như Menfuisu, Carol, Izumin... ban đầu rất được yêu thích nhanh chóng bị các anti fan đưa ra bàn luận, mổ xẻ, phân tích để chỉ ra những tính cách "củ chuối" gây khó chịu của nhân vật. Có lẽ tác giả đã sai lầm khi "quá tay" trong việc khắc họa nhưng phẩm chất, tính cách đặc trưng cho các nhân vật của mình. Những đặc điểm ban đầu được đánh giá là tốt đẹp của Carol như ngây thơ, trong sáng, tốt bụng, nhân ái, ham học hỏi...đã khiến không ít độc giả phát cáu bởi nhờ những tính tốt đó mà Carol đã rơi tình huống hiểm nguy không đáng có, gây tổn hại không chỉ cho bản thân cô mà còn liên lụy đến những người xung quanh, đặc biệt là quân lính Ai Cập.
Hoàng đế Menfuisu trong những tập truyện đầu cũng thu hút một lượng lớn người hâm mộ bởi sự đẹp trai, tài giỏi, sự cuồng nhiệt và hết mình trong tình yêu. Nhưng rồi độc giả cũng bắt đầu chán ngán nhân vật này khi thấy những lo toan cho dân cho nước giảm dần và thay vào đó là những trăn trở làm sao để bảo vệ, cứu vợ từ tay kẻ thù. Những lần vị hoàng đế đẹp trai, yêu vợ này dẫn quân sang nước khác giải cứu vợ khiến nhiều người không khỏi thắc mắc: "Hoàng đế dẫn quân đi rồi thì quốc gia phải làm thế nào nếu có biến?". Nguyên nhân những thiếu sót trong việc bình quốc trị thiên hạ của Menfuisu nhanh chóng được chỉ ra là do tình yêu mù quáng của hoàng đế với người vợ Carol, đặt một cá nhân lên trên sự an nguy của cả một quốc gia. Điều này khiến nhân vật Menfuisu mất điểm trước độc giả.
Một nhân vật khác cũng lãnh hậu quả tương tự cho sự "quá đà" là hoàng tử Izumin của nước Hitaito. Vốn được đo ni đóng giày là một chàng hoàng tử đẹp trai, tài giỏi, si tình, luôn hi sinh vì người mình yêu..Izumin lúc đầu đã nhận được sự ái mộ từ phần lớn các độc giả nữ bởi sự dịu dàng, hào hoa phong nhã của mình. Nhưng rồi việc chàng hoàng tử này cũng không khác Menfuisu, suốt ngày chạy theo lo lắng cho Carol, lơ là chuyện quốc gia đại sự hay việc đôi lúc yếu lòng trước người đẹp để lỡ mất việc lớn khiến không ít độc giả cảm thấy bất bình và quay ra kết luận hoàng tử Izumin "dại gái".
Hình tượng nhân vật bị chỉ trích nhiều nhất có lẽ vẫn là Carol. Là nữ nhân vật chính của loạt truyện, Carol được khắc họa là một nhân vật hoàn hảo, tốt bụng ngây thơ đến mức phi lý, đối tốt với mọi kẻ thù và tạo điều kiện cho những kẻ thù ra tay hãm hại mình. Trải qua nhiều kiếp nạn và phải chịu nhiều khổ sở về cả thể xác lẫn tinh thần, thậm chí là mất đi đứa con của cô với Menfuisu, Carol vẫn kiên định trong tính cách và...tiếp tục tạo điều kiện cho người xấu hãm hại mình tiếp(!?).
Tại Việt Nam, bộ truyện đã được xuất bản đến tập 71 và hiện nay đang ngừng do tác giả vẫn chưa sáng tác xong. 34 năm và 71 tập truyện quả là những con số có thể khiến bất cứ fan truyện tranh nào kinh ngạc, và chính những con số đó cùng những lối mòn trong tình tiết, diễn biến truyện đã khiến những fan hâm mộ cuồng nhất của Nữ Hoàng Ai Cập cũng phải nguội lạnh tình cảm với bộ truyện theo thời gian. Dù vậy cũng không thể phủ nhận một sự thực là "cơn bão" Nữ hoàng Ai Cập đã từng quét qua giới hâm mộ truyện tranh ở Việt Nam.
Emily