Đua nhau rao bán
Năm 2019, vợ chồng anh Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) mua một căn hộ hơn 3,2 tỷ đồng, mặt đường Lê Văn Lương. Dự án được quảng cáo cao cấp, trung tâm khu vực Trung Hòa Nhân Chính, nhiều tiện ích. Anh Đức cho hay, khu vực này gần nhiều trường học, tiện cho con cái nên vợ chồng anh đã chuyển nhà từ Hà Đông tới đây.
Sau khi dọn nhà ở một thời gian, vợ chồng anh Đức cảm thấy mệt mỏi vì nhà nằm trên tuyến đường nhồi nhét 40 chung cư cao tầng, đi lại gặp nhiều khó khăn. Anh kể: “Sáng nào nhìn trên nhà xuống tôi cũng hoảng hồn vì đường chật kín xe cộ, kéo dài hàng giờ liền”.
“Lúc đầu tôi cũng nghĩ, khu vực này nhiều đường có thể đi lối tắt, nhưng khi đã tắc thì rẽ vào chỗ nào cũng chật cứng. Sáng nào đi làm, vợ chồng tôi cũng phải đi từ sớm. Nhiều hôm muốn về nhà nghỉ ngơi sớm hơn cũng không được”, anh nói.
Vì thế, anh Đức đang rao bán căn hộ giá 3,1 tỷ, nếu tính cả tiền làm nội thất thì anh chịu lỗ thêm 300 triệu đồng. Mặc dù vậy, số người hỏi mua không nhiều nên anh rao bán từ đầu năm tới nay vẫn chưa có khách chốt.
Tương tự anh Đức, vợ chồng bà Đặng Thu Hiền (chung cư Times Tower, Lê Văn Lương, Hà Nội) cũng đang rao bán căn hộ. Bà Hiền cho hay, từ khi dọn về ở khốn khổ vì đi lại liên tục tắc đường. Chưa kể riêng tuyến xe bus nhanh đã chiếm một làn đường, việc đi lại càng khó khăn hơn.
Bà Hiền còn bức xúc hơn khi khu vực này có nhiều nhà cao tầng mà diện tích cây xanh, khu vui chơi không có. “Chung cư có vỉa hè thì ô tô đỗ hết, xung quanh chẳng có chỗ cho người dân vui chơi, tập thể dục”, bà than phiền.
Theo bà Hiền, nhiều khu vực khác giá căn hộ đều tăng, riêng khu vực này giá tăng rất chậm và khó bán do nhiều người lo ngại hạ tầng. Dù vậy, bà vẫn quyết định rao bán căn hộ, chuyển ra vùng ven để có không gian sống yên tĩnh hơn.
Sự phát triển một cách ồ ạt, thiếu quy hoạch của những tòa nhà cao tầng đang dẫn đến nhiều hệ lụy, tác động nghiêm trọng lên hạ tầng giao thông, không gian sống, tiện ích, ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, nỗi ám ảnh khác của cư dân các tòa cao ốc trên là hàng quán nhếch nhác bủa vây, chợ cóc mọc tràn lan, trong khi tìm đỏ mắt không có chỗ trống làm không gian vui chơi cho trẻ nhỏ.
Đầu cơ cắt lỗ
Ông Nguyễn Xuân Thành, một nhân viên môi giới cho hay, Trung Hòa - Nhân Chính từng được xem là khu đô thị thu hút người nước ngoài, giờ đang quá tải nghiêm trọng. Bất cứ người dân nào sinh sống trên tuyến đường Lê Văn Lương, khi phải di chuyển qua đây, thường xuyên cảm nhận được sự ùn tắc giao thông đến “nghẹt thở”. Đặc biệt, vào những ngày trời mưa, dòng người trên tuyến đường này gần như “đóng băng”.
Giá mặt bằng chung giao dịch mức 30-40 triệu đồng/m2. Một số dự án cháy hàng khi mở bán, nhưng sau khi đi vào hoạt động có nhà đầu tư chấp nhận bán cắt lỗ.
Theo một khảo sát của đơn vị tư vấn bất động sản, mức độ quan tâm của các dự án chung cư khu vực này đã giảm. Thay vào đó, nhu cầu bán ngày càng tăng. Số lượng tin rao bán ngày này lên tới hàng trăm đơn vị. Nhiều chủ nhà rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Hải - một nhà đầu tư - đang rao bán 2 căn hộ tại khu vực này. Năm 2019, bà Hải bỏ ra hơn 7 tỷ đồng mua 2 căn hộ để cho thuê, hướng tới nhóm khách nước ngoài. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch, khách thuê không có , căn hộ để trống thời gian dài mà giá lại không tăng.
Nhận thấy tương lai không khả quan nên bà Hải quyết định bán nhà để tìm kênh khác đầu từ. “Trước đây chỉ cần rao bán là môi giới gọi liên tục, nay cả tuần không có ai hỏi”, bà Hải nói.
Bà cho hay, hạ tầng khu vực này đang là điểm nóng khi hàng loạt chung cư cao tầng mọc san sát nhau, khiến cư dân nào chuyển tới sinh sống cũng cảm thấy choáng ngợp. Chính vì thế, không phải dễ để bán nhà ở thời điểm này. Nhiều khách hỏi mua nhưng sau khi tìm hiểu và chứng kiến thực tế đều chê, tìm cách ép giá.
Bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, nhấn mạnh, Covid-19 diễn ra, xu hướng người mua nhà đã thay đổi rõ nét. Nhiều người chấp nhận đi xa hơn để mua những căn nhà có nhiều diện tích hơn, sống tiện nghi, đặc biệt lưu ý đến không gian xanh, yếu tố xanh, sống lành mạnh, đảm bảo sức khoẻ.
Duy Anh