Tai họa ập đến
Năm 1976, tại một làng quê nghèo ở Trùng Khánh (Trung Quốc), có một cặp vợ chồng sinh sống bằng nghề mổ thịt lợn. Họ có một người con trai tên Hà Vinh Phong. Dù không giàu có nhưng gia đình sống chan hòa, vô cùng hạnh phúc.
Cuộc sống vốn tưởng bình yên thì vào năm 1986, một việc xảy ra đã thay đổi hoàn toàn gia đình họ. Cha của Hà Vinh Phong thu mua lợn của các hộ trong làng để bán. Một ngày nọ, khi đang mải bán hàng, kẻ trộm đã lấy cắp sạch số tiền mà ông bán được. Đó là số tiền để trả những hộ nuôi lợn.
Quá sợ hãi vì không biết lấy gì đền dân làng, ông bỏ nhà đi làm ăn xa, hi vọng kiếm đủ tiền trả hàng xóm.
Dù vậy, hai mẹ con của Hà Vinh Phong cũng không được sống yên ổn. Hàng ngày chủ nợ đến đòi, gây rối thậm chí quấy rối mẹ cậu. Chứng kiến những điều đó, Hà Vinh Phong vô cùng oán hận.
Lúc này Hà Vinh Phong (17 tuổi) quyết tâm bỏ nhà đi làm ăn xa, hứa hẹn sẽ kiếm đủ tiền trả nợ giúp bố mẹ.
Anh và hai người bạn trong làng cùng nhau đến Chiết Giang làm việc. Tuy nhiên, ba chàng trai còn non nớt lại đến một thành phố xa lạ nên không có ai muốn nhận họ làm việc.
Ngày qua ngày, số tiền mang theo cũng gần cạn kiệt, họ vô cùng tuyệt vọng. Ba chàng trai phải đi ăn xin để kiếm từng bữa cơm.
Những tưởng sẽ không qua được khó khăn không ngờ, giữa lúc mệt mỏi nhất, Hà Vinh Phong và hai người bạn đã gặp được "quý nhân". Người phụ nữ tên Đới Hạnh Phân đã làm thay đổi cuộc đời của Hà Vinh Phong.
“Quý nhân” làm thay đổi cả cuộc đời cậu bé nghèo
Một ngày nọ, Hà Vinh Phong và hai người bạn thấy Đới Hạnh Phân đi trên đường. Nhận ra ánh mắt ân cần của chị, ba chàng trai nghĩ có thể xin được miếng ăn nên đã đi theo. Thấy có người đi theo mình, Đới Hạnh Phân rất sợ hãi. Hỏi ra mới biết, đó là ba thanh niên bỏ làng đi tìm việc làm. Biết họ còn quá trẻ, xin việc không dễ nên chị Đới cho cả ba vào nhà, nấu một bữa thật ngon, bốn người cùng ăn uống và nói chuyện vui vẻ.
Biết hoàn cảnh, chị dẫn họ đi xin việc nhưng ông chủ lại chỉ cần hai người. Thấy công cuộc tìm việc không mang lại kết quả, họ quyết định đi nơi khác mưu sinh. Chị Đới vì thương những chàng trai còn quá trẻ nên rút 30 tệ (hơn 100 nghìn đồng) đưa cho mỗi người 10 tệ. Vào thời điểm đó, số tiền 30 tệ tương đương nửa tháng lương mà chị Đới có thể kiếm được.
Ba chàng trai đặc biệt là Hà Vinh Phong, người phải chịu cảnh gia đình ly tán, nợ nần cảm thấy xúc động trước tấm lòng của chị. Cậu quyết tâm sẽ kiếm đủ tiền để trả nợ cho chị và những người dân trong làng.
Sau khi tạm biệt chị Đới Hạnh Phân, ba người bạn chia tay nhau, mỗi người tự lo cho bản thân mình. Hà Vinh Phong đến Thẩm Dương học làm đồ gỗ cùng với một người thợ mộc. Dù mức lương khi đó rất thấp nhưng cậu hi vọng có thể kiếm được công việc, vừa có cơ hội học nghề để trả nợ chị Đới cũng như giúp đỡ bố mẹ.
Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, Hà Vinh Phong có nhà máy riêng, nhận thầu nhiều dự án bên ngoài.
Anh trở thành ông chủ giàu có, tiếng tăm. Nhiều năm trôi qua, anh vẫn luôn đau đáu về người phụ nữ đã giúp mình và hai người bạn năm đó. Chính chị đã khiến anh thay đổi cái nhìn về cuộc sống và có thêm động lực làm việc.
Trước đó, anh cố gắng viết thư cho chị nhưng không nhận được hồi âm. Công cuộc tìm kiếm thông tin liên lạc với chị Đới thực sự khó khăn. Hà Vinh Phong phải nhờ mọi người giúp đỡ, tìm đến công an để tra theo danh sách hộ khẩu mà vẫn không có kết quả. Mãi tới 10 năm sau, vào năm 2013, nam doanh nhân mới có cơ hội gặp lại ân nhân thông qua sự kết nối của một đối tác làm ăn.
Hà Vinh Phong gọi điện cho Đới Hạnh Phân giọng nghẹn ngào, vô cùng hạnh phúc: “Chị ơi chị còn nhớ em không? Nhiều năm trước chị đã cho ba cậu bé ăn xin 30 tệ và em là một trong số những cậu bé đó”.
Ngay sau đó, Hà Vinh Phong đã đến nhà chị Đới và mang theo tấm sec trị giá 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng) để trả ơn nhưng chị Đới từ chối nhận.
Hà Vinh Phong nắm tay người chị đã giúp mình và nói: "Chị ơi chị xứng đáng với tất cả những thứ này".
Chị Đới vô cùng cảm động: "Bao năm qua chị giúp người khác nhưng không muốn ai báo đáp ân tình, chị cũng không quan tâm chuyện họ có báo đáp hay không. Chị chỉ đang làm những việc mà chị cho là đúng thôi em ạ. Chị cảm thấy rất vui vì em còn nhớ đến chị, đó là món quà lớn nhất rồi".
Dù sau đó, Hà Vinh Phong vẫn tiếp tục mang số tiền đến để cảm ơn nhưng chị Đới nhất quyết không nhận. Cuối cùng, trước sự khăng khăng của Hà Vinh Phong, chị đã dùng số tiền đó quyên góp cho các tổ chức từ thiện với danh nghĩa của mình.
Câu chuyện cảm động của hai người sau này được chuyển thể thành phim để vinh danh những tấm lòng tốt cũng như đạo lý nhớ ơn người đã giúp đỡ mình.
Tú Linh (Theo 163, Sohu)