Cậu bé gánh khoản nợ 1,4 tỷ đồng cho gia đình
Lớn lên tại một căn lều nhỏ ở ngoại ô Angkor Wat (Campuchia), Thuch Salik chỉ có thể đến trường nửa buổi mỗi ngày vì nhà quá nghèo. Thời gian còn lại, cậu bé lê la khắp các đường phố ở thành phố Siem Reap để bán hàng rong, kiếm tiền từ những món đồ trang sức, lưu niệm cho khách du lịch.
Cậu bé 14 tuổi khi ấy luôn có ước mơ được học ở nước ngoài, dù cho cảnh nghèo đói và nợ nần bủa vây gia đình cậu.
Mẹ của Salik, bà Mann Vanna làm công việc bán khăn quàng cổ và các loại quần áo tại một ki-ốt ở chợ. Bố của cậu là một họa sĩ, thường bán tranh do chính mình vẽ để kiếm sống.
Cả gia đình của Salik thời điểm ấy phải làm việc quần quật để lo trả số nợ 60.000 USD (khoảng 1,4 tỷ đồng).
Những tưởng cuộc đời cậu bé sẽ mãi chìm trong cảnh sống khốn cùng ấy nhưng mọi thứ đã thay đổi từ một đoạn video trên mạng xã hội.
Tháng 11/2018, một nữ du khách đã đăng tải lên trang cá nhân đoạn video dài gần 4 phút ghi lại cảnh trò chuyện cùng một cậu bé bán hàng rong.
Chuyện không có gì đáng nói cho đến khi cậu bé trong đoạn clip, Salik, cho rằng mình có thể nói 16 thứ tiếng. Theo đó, Salik đã nói bằng tiếng Trung với nữ du khách.
Cô gái này đã bất ngờ và bắt đầu khơi dậy khả năng ngôn ngữ của cậu. Nữ du khách lần lượt hỏi Salik bằng tiếng Pháp, tiếng Quảng Đông, tiếng Nhật, Thái,… và nhận được những câu trả lời trôi chảy từ cậu. Salik chia sẻ rằng, cậu đã học những ngôn ngữ đó trong hơn 3 năm bán hàng rong.
Đổi đời sau một đêm
Sau khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, cơn "bão" lời khen dành cho Salik đã khiến nhiều mạnh thường quân chú ý đến cậu bé nghèo bán hàng rong. Qua tìm hiểu, người ta đã biết được hoàn cảnh khó khăn của Salik và bắt đầu ủng hộ tiền để giúp cậu.
Không dừng lại ở đó, một doanh nhân giàu có người Campuchia đã hỗ trợ để cả nhà Salik đến ở tại một ngôi nhà bậc thang ở Phnom Pênh; tìm cho mẹ cậu một công việc tốt hơn; góp tiền xóa khoản nợ hơn 1,4 tỷ đồng của gia đình; tài trợ cho việc học của Salik.
Ngoài ra, chàng trai còn lọt vào "mắt xanh" của người sáng lập tập đoàn giáo dục Hailiang. Đây là một trong những tập đoàn lớn nhất trong khu vực trường tư thục Trung Quốc, với hơn 60.000 học sinh và giáo viên đến từ 23 quốc gia.
Ông Chen Junwei, Giám đốc điều hành của tập đoàn, cho hay ông đã xem những đoạn video khác về Salik. Trong đó, cậu bày tỏ rằng mong muốn được học ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
"Lời nói này đã chạm đến trái tim tôi nên tôi giúp Salik thực hiện ước mơ này. Chúng tôi cảm thấy Salik rất thông minh, rất tài năng trong một lĩnh vực mà không nhiều người có thể làm được. Ngoài ra, chỉ số EQ (trí thông minh giao tiếp) của Salik rất cao", ông nói.
Việc thuyết phục gia đình cho Salik đi học ở nước ngoài rất khó khăn. Ban đầu, ông Chen và một số nhân viên đã bay tới Campuchia để tìm và thuyết phục gia đình cho Salik nhận học bổng tại Hailiang.
"Chúng tôi đã mang theo rất nhiều quà, đồng phục học sinh, túi xách và đến khách sạn để gặp Salik và bố mẹ của cậu", Chen nhớ lại.
Tuy nhiên, mẹ của Salik tỏ ra miễn cưỡng, vì nghi ngờ khi con còn quá nhỏ, lo ngại sức khỏe cậu bé khó thích nghi khi ở nước ngoài. Bố mẹ của cậu còn cho rằng lời đề nghị của Hailiang là "quá tốt để trở thành sự thật". Vậy nên, đội của Chen đành quay về Trung Quốc.
Vài tháng sau, ông Chen và đội ngũ quyết tâm quay lại một lần nữa. Thậm chí, họ còn tài trợ cho gia đình của Salik được đi tham quan trụ sở của Hailiang, tận mắt xem ngôi trường cậu sẽ học.
Lòng thành của đội ngũ Hailiang đã thuyết phục được bố mẹ cậu bé đồng ý cho con đi học ở Trung Quốc.
Tại ngôi trường mới, Salik đã học tập rất chăm chỉ và sớm làm quen với tiết trời lạnh giá nơi đây. Vào tháng 1/2020, chàng trai trở về nước để nghỉ đông và phải ở lại một thời gian vì dịch Covid-19.
Trong lúc chưa thể trở lại Trung Quốc và phải tham gia các lớp học trực tuyến, Salik được một công ty giải trí tại Campuchia, First Unite Network (Fun) Entertainment để ý.
Sau khi trao đổi, Salik đồng ý ký hợp đồng với công ty quản lý này, trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Chàng trai cũng mở một cửa hàng bán quần áo trực tuyến để kiếm thu nhập.
"Điều tôi tập trung nhiều nhất vẫn là chuyện học. Việc học tập chăm chỉ là thứ để tôi trả ơn những người đã giúp đỡ tôi. Tôi hi vọng có thể trở thành doanh nhân, mang công nghệ tiên tiến và những thứ mới mẻ từ nước ngoài về phát triển đất nước", Salik chia sẻ.
Theo Dân Trí