Phòng khám chuyên đề Bạch biến và bệnh da giảm sắc tố thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương đang quản lý, theo dõi khoảng 1.500 bệnh nhân bạch biến. Hằng tháng, hơn 200 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị.
Hiện chưa có con số chính xác về số người mắc bạch biến, nhưng theo nghiên cứu, khoảng 1% dân số thế giới mắc bệnh này, nghĩa là ước tính, Việt Nam có khoảng 1 triệu người mắc bệnh. Đây là loại bệnh da thường gặp, biểu hiện là những dát giảm hoặc mất sắc tố so với vùng da xung quanh, giới hạn rõ, không có vảy và không ngứa.
Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền, Trưởng nhóm Phòng khám, cho biết bạch biến là bệnh rối loạn sắc tố mắc phải, mãn tính, không phải là bẩm sinh. Vì thế có người phát hiện bệnh từ nhỏ nhưng có những người sau khi lập gia đình, có con mới bất ngờ mắc bệnh.
"80% người mắc bệnh có liên quan yếu tố gene, khoảng 20-30% có yếu tố gia đình", Tiến sĩ Hiền chia sẻ với VietNamNet tại sự kiện hưởng ứng Ngày Bạch biến thế giới được Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức ngày 23/6.
GS.TS Nguyễn Hữu Sáu, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay bạch biến không phải bệnh truyền nhiễm, không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tác động rất lớn tới tâm lý, tinh thần. "Không ít người trầm cảm vì mắc bệnh", GS Sáu nói.
Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến công việc, các mối quan hệ thậm chí cả đến khả năng kết hôn của người bệnh. Bệnh nhân bạch biến thường thu mình khỏi xã hội và tránh ánh nắng mặt trời. Muốn khắc phục bệnh triệt để cần quá trình lâu dài, kiên trì, đặc biệt họ rất cần động viên tinh thần.
Các vết bạch biến xuất hiện loang lổ như "rắc hoa giấy" khắp cơ thể, đặc biệt ở mặt, phần trên ngực, bàn tay..., là những nơi dễ nhìn thấy, vì thế không ít bệnh nhân mặc cảm, mất tự tin, sốt ruột tìm các biện pháp điều trị tức thì.
Các bác sĩ cảnh báo không ít bệnh nhân tin theo quảng cáo "chữa dứt điểm ngay" sau vài lần điều trị trong thời gian ngắn nên đã bỏ nhiều tiền để thực hiện nhưng kết quả phải vào viện "chữa cháy", làm lỡ cơ hội điều trị sớm.
Bác sĩ Hiền cho hay một trong những sai lầm phổ biến mà các bệnh nhân bạch biến gặp phải là dùng các bài thuốc đông y; bôi rượu gừng, rễ, lá cây lên vết bạch biến gây viêm da tiếp xúc kích ứng. Một nhóm khác dùng sai chỉ định các loại thuốc điều trị bạch biến, bôi corticoid liên tục, kéo dài gây tác dụng phụ như giãn mạch, trứng cá, teo da.
Ngoài ra, không ít người sử dụng các loại thuốc từng được chỉ định cho bệnh nhân bạch biến nhưng gần đây đã bị đưa ra khỏi hướng dẫn y tế do các tác dụng phụ mang lại. Đơn cử, có những bệnh nhân tin quảng cáo trên mạng xã hội nên dùng meladinine dẫn đến tác dụng phụ như bỏng da, cháy da (với loại bôi) và các tác dụng toàn thân (với loại uống).
Bên cạnh đó, bệnh nhân tự chiếu đèn UVB nhưng không mua đúng loại đảm bảo chất lượng, chiếu không đúng liều lượng, thời lượng như hướng dẫn của bác sĩ, gây bỏng tại chỗ.