Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng nguyên nhân chủ yếu do trích lập dự phòng tăng, hoặc không có khoản thu nhập bất thường từ khoản phí trả trước với đối tác phân phối bancassurance. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh chính của các ngân hàng này vẫn có kết quả khả quan.
Hầu hết các ngân hàng vẫn đang lãi lớn với con số nghìn tỷ đồng sau khi kết thúc quý I.
MSB là ngân hàng mới nhất công bố kết quả kinh doanh quý I, với lợi nhuận trước thuế 1.526 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2022.
Kết thúc quý I/2023, tổng thu nhập hoạt động của MSB đạt gần 2.900 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, thu nhập lãi thuần chiếm 75%, đạt hơn 2.150 tỷ đồng, tăng 10%.
Tại ngày 31/3, tổng tài sản MSB đạt gần 235.500 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2022. Cho vay khách hàng đạt gần 137.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với 31/12/2022.
Tiền gửi khách hàng đạt trên 126.000 tỷ đồng, tăng 8% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 32%.
Tại Techcombank, dù lợi nhuận trước thuế giảm 17%, đạt 5.623 tỷ đồng nhưng tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt ở mức 9,3% và 8,1%.
Techcombank ghi nhận CASA ở mức 32% vào cuối quý I/2023, qua đó tiếp tục là nhà băng thuộc top dẫn đầu về CASA, đứng sau MB (35,5%).
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.200 tỷ đồng, dẫn dắt bởi thu phí từ dịch vụ thẻ đạt 455 tỷ đồng (tăng hơn 303% so với cùng kỳ).
Kết thúc quý I, nhiều ngân hàng đã gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận trước thuế nghìn tỷ.
Có thể kể đến như: Vietcombank 11.200 tỷ đồng; MB 6.500 tỷ đồng; ACB 5.156 tỷ đồng; Sacombank 2.383 tỷ đồng; SeABank 1.070 tỷ đồng; BIDV 6.920 tỷ đồng; VietinBank 5.890 tỷ đồng; VPBank 4.116 tỷ đồng; SHB 3.620 tỷ đồng; HDBank 2.857 tỷ đồng; VIB 2.690 tỷ đồng; TPBank 1.765 tỷ đồng; LPBank 1.566 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh cả năm một cách thận trọng. Điều này cho thấy, giới chủ ngân hàng đều nhìn nhận 2023 là năm nhiều thử thách với những vấn đề như nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, thị trường bất động sản và trái phiếu đóng băng.
Các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Techcombank, VPBank, MB, SHB, ACB đều đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận ở mức dưới 20% trong năm 2023.