Quần đảo Cát Bà gồm 367 đảo nằm phía nam vịnh Hạ Long. Trong đó, đảo Cát Bà là điểm đến nổi tiếng được nhiều du khách yêu thích. Nơi đây mang cảnh sắc đặc trưng của vùng vịnh với những dãy núi đá vôi và nước biển trong xanh.
Tới đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ mà còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động ngoài trời thú vị như chèo kayak, lặn biển, đi du thuyền,... hay câu mực - một trải nghiệm về đêm không nên bỏ lỡ ở Cát Bà.
Thời điểm lý tưởng nhất để du khách câu mực tại Cát Bà là từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 dương lịch. Vào thời gian này, sóng yên biển lặng, mực thường bơi gần bờ để sinh sản nên dễ dàng cho việc săn bắt hơn.
Khách du lịch có thể câu mực vào các tháng khác nhưng thường bị say sóng hoặc gặp thời tiết mưa gió không thuận lợi, mực ít xuất hiện nên khó câu.
Anh Nguyễn Vinh - hướng dẫn viên du lịch tại Cát Bà cho biết, việc câu mực phụ thuộc vào thời tiết. Ngày không trăng, sóng lặng, trời càng tối thì càng thuận lợi cho khách câu mực đêm.
"Chúng tôi phải xem tình hình thời tiết của ngày đó như thế nào, xem sóng, gió ra sao để biết có câu mực được không vì khi biển lặng sẽ dễ câu và tránh làm du khách say sóng. Bởi vậy, không phải lúc nào du khách đến Cát Bà cũng có thể tham gia trải nghiệm này”, anh Vinh cho hay.
Để câu mực, ngư dân trên thuyền sẽ chong đèn, chiếu sáng xuống mặt nước. Mực thấy ánh sáng sẽ từ từ bơi đến đó để tìm kiếm thức ăn. Muốn câu được loài hải sản này, người ta thường di chuyển ra các bãi câu cách bờ khoảng 2-3km.
Chị Hương Thảo - một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, chi phí cho trải nghiệm câu mực khoảng 400.000 - 500.000 đồng/người. Sau bữa ăn tối, khách sẽ theo thuyền ra biển để câu mực.
"Trên bè có sẵn máy phát điện và loạt đèn chiếu sáng để dụ mực bơi đến. Khách cũng được phục vụ sẵn các loại cần câu nhỏ, dài từ 1,5-2,5m. Mồi câu mực được làm bằng nhựa, gắn nhiều móc sắt bên dưới tạo hình giống con mực đang bơi”, chị Thảo nói.
Nếu du khách chưa có kinh nghiệm, ngư dân hoặc hướng dẫn viên sẽ hướng dẫn tận tình. Khi thả mồi câu xuống dưới đáy biển, khách cần canh chừng khoảng 5-7 giây thì giật cần một lần. Điều này nhằm di chuyển mồi câu dưới nước, làm cho mực lầm tưởng là con mồi nên chúng sẽ đuổi theo và vồ lấy.
Khi quấn dây câu mà cảm thấy nặng tay, tức là đã có mực hoặc cá cắn câu. Lúc này, khách phải thao tác kéo cần một cách dứt khoát. Không được giật dây câu quá nhanh, dễ làm đứt râu mực nhưng cũng không được để dây câu bị chùng, nếu không mực sẽ rụt đầu vào và thoát khỏi lưỡi câu”, anh Vinh chia sẻ bí quyết câu mực hiệu quả.
“Nếu chắc chắn mực đã dính móc, bạn phải kéo cần câu cẩn trọng, không được quá nhanh hay quá chậm. Để mực không chạy thoát, khi nhấc lên khỏi mặt nước, bạn hãy dùng chiếc vợt dài ra hứng rồi thả chúng vào chậu. Mực sống sẽ giữ được chất lượng thơm ngon”, chị Thảo chia sẻ.
Nữ du khách này cũng tiết lộ, việc câu mực đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung. Đây cũng là cách để chị cân bằng cuộc sống, giải tỏa áp lực hàng ngày. Chị cho hay, dù có lần tới Cát Bà, tuy không câu được mực nhưng du khách có thể hóng gió, ngắm cảnh biển về đêm,...
Đặc biệt, khi trải nghiệm câu mực đêm, du khách có thể thưởng thức thành quả của mình ngay tại chỗ. Theo đó, các thuyền đều hỗ trợ khách chế biến mực tươi vừa câu xong. Tùy yêu cầu của khách mà người ta sẽ chế biến mực thành các món khác nhau như gỏi mực, mực hấp, mực nướng,...
Mỗi món ăn lại có hương vị riêng. Nếu mực tái vắt chanh có vị thanh mát, giòn sần sật, chấm với mù tạt cay nồng thì mực hấp lại đậm đà vị biển, ăn kèm muối tiêu hay tương ớt đều ngon.
"Mực hấp là cách chế biến nhanh và giữ nguyên được hương vị nhất. Mực sẽ được làm sạch, bỏ ruột rồi đem hấp sơ với sả, gừng. Mực không được hấp quá lâu, dễ làm phần thịt bị dai, quắt hoặc nhạt nhẽo.
Nếu khách thích đồ sống thì chọn món mực tái chanh. Mực được làm sạch, bỏ ruột và mắt, sau đó thái mỏng thành các lát vừa ăn rồi vắt thêm nước cốt chanh cho tái chín. Món ăn này thanh mát, khách cảm nhận được vị giòn sần sật của mực tươi”, chị Thảo cho hay.
Từ Hà Nội, du khách có thể đi xe riêng đến Hải Phòng, qua cầu vượt biển Tân Vũ đến Phà Gót. Chuyến phà đậu bến Cái Viềng thuộc huyện Cát Hải, di chuyển thêm khoảng 20km nữa sẽ đến trung tâm đảo - thị trấn Cát Bà.
Chi phí áp dụng cho xe ô tô dưới 9 chỗ khoảng 400.000 đồng, bao gồm 210.000 đồng phí cầu đường và 190.000 đồng tiền phà. Với xe máy, phí qua phà là 45.000 đồng/xe.
Nếu đi xe khách, du khách tốn khoảng 150.000 đồng/vé từ Hà Nội đến bến Phà Gót rồi sang đảo bằng phà với phí 12.000 đồng/người. Ngoài ra, du khách có thể chọn các hãng xe dịch vụ đưa đón tới thẳng trung tâm đảo với giá 250.000 đồng/khách.
Nếu di chuyển bằng tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long (giờ hoạt động là 9h – 16h ngày thường và 9h – 17h cuối tuần), du khách sẽ tiết kiệm được thời gian sang đảo, nhanh hơn đi phà khoảng 15-20 phút. Khi qua cầu Tân Vũ hướng về Phà Gót, du khách vào ga cáp treo Cát Hải theo bảng chỉ dẫn bên đường. Giá cáp treo là 200.000 đồng/người/vé khứ hồi, riêng khách nội tỉnh là 150.000 đồng. Tại ga có bãi gửi xe.
Bên cạnh đó, trên đảo cũng có dịch vụ thuê xe máy, giá khoảng 40.000 đồng/giờ và rẻ hơn nếu thuê theo ngày là 200.000 đồng/ngày. Taxi từ trung tâm Cát Bà có dịch vụ chạy theo tuyến tham quan, giá 200.000 – 500.000 đồng/hai chiều.
Phan Đậu