Lời toà soạn

Tuyến bài Sự hồi sinh kỳ diệu là câu chuyện do chính những người trong cuộc, những người đã từng trải qua những năm tháng "thập tử nhất sinh" kể lại. Bằng nghị lực phi thường và sự quyết tâm của bác sĩ, những bệnh nhân đã hồi sinh và viết tiếp câu chuyện cuộc đời. Hy vọng những câu chuyện của họ sẽ góp phần lan toả năng lượng tích cực đến độc giả.

Vụ tai nạn giao thông xảy ra đúng 2 năm trước khiến anh L.V.N. (25 tuổi, Thanh Hóa) bị đa chấn thương ở sọ não, hàm mặt, ngực kín, gan… Sau ca mổ, người bệnh được theo dõi và điều trị hồi sức tích cực trong thời gian dài, mở khí quản bằng cách tạo một lỗ ở cổ để thở mà không thể thở qua đường mũi như thông thường. Anh được chuyển về bệnh viện địa phương điều trị tiếp.

Một tháng sau khi mở khí quản, do bị hẹp khí quản, anh phải phẫu thuật cắt nối khí quản nhưng không thành công. Sau khoảng 2 tháng, bệnh nhân xuất hiện khó thở và phải mở lại khí quản vĩnh viễn.

Với tâm lý "có bệnh phải vái tứ phương", gia đình cho con đi khám và được chỉ định tiêm 6 mũi vào vùng khí quản bị hẹp. Đến tháng 5/2023, sau mũi tiêm thứ 6, N. xuất hiện chảy dịch sữa qua chỗ mở khí quản, được chẩn đoán rò khí - thực quản. Lúc này, đồ ăn uống đều bị chui vào phổi, bệnh nhân buộc phải mở thông dạ dày nuôi ăn.

“Gần một năm trời, bệnh nhân phải ăn bơm qua mở thông dạ dày, không thở qua đường mũi mà thở qua đường mở khí quản ở cổ, nơi này thường xuyên loét chảy máu và nhiễm trùng”, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết.

Đằng đẵng 2 năm trời chăm sóc con trai nằm viện, ông L.A.T. (49 tuổi) không giấu được sự bi quan, chán nản, cuộc sống dường như bế tắc. Cậu con trai duy nhất của gia đình, trụ cột lao động nay không thể ăn bình thường, không nói được…

Đau đớn nhìn con trai từng ngày héo mòn, nhưng ông T. tự nhủ không thể buông tay suốt hành trình này. “Có bán nhà cũng phải cứu con. Nhiều người quen hỗ trợ, gia đình tôi vay mượn, chạy vạy khắp nơi, suốt 2 năm, dành hơn 1,3 tỷ đồng để cứu con”, ông T. kể.

ghepkhiquan
Bệnh nhân N. (áo đen) cùng bố và các thầy thuốc trong buổi gặp gỡ khi tái khám sau 3 tháng mổ ghép khí quản từ người cho chết não. Ảnh: BVCC.

Tháng 6/2023, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cơ thể bệnh nhân suy kiệt, cao 1,65m nhưng cân nặng còn 42kg, được chẩn đoán tổn thương đoạn khí quản dài tới 6,5cm nhưng không thể can thiệp vì đã mổ cắt khí quản cũ, cũng không có vật liệu can thiệp. Ngoài ra, lòng thực quản của bệnh nhân có tổ chức sẹo hẹp vòng quanh, gây hẹp toàn bộ, đến mức máy soi 4mm không qua được, nghi ngờ liệt dây thanh âm…

Các thầy thuốc thống nhất tiến hành phẫu thuật hai thì:

- Thì một: Phẫu thuật tạo hình cắt - nối đoạn thực quản cổ bị hẹp hoặc tạo hình thực quản bằng đoạn đại tràng.

- Thì hai: Phẫu thuật tạo hình đoạn thanh môn kết hợp ghép đoạn khí quản cổ bằng đoạn khí quản của người cho chết não.

Hai cuộc mổ được tiến hành vào ngày 11/4 và 13/5. Đến ngày 25/6, người bệnh được trở về nhà. "Lần đầu tiên khi nghe con trai gọi: 'Bố ơi, con nói được rồi' sau 2 năm trời, tôi rơi nước mắt!", ông T. nghẹn ngào chia sẻ.

Sau 1 tháng, chàng thanh niên 25 tuổi đã tăng 5kg, sẹo mổ liền tốt, ăn uống được bằng đường miệng và tự thở qua đường mũi trở lại.

Ngày 7/8, có mặt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong buổi gặp mặt thông tin về ca ghép khí quản đầu tiên tại Việt Nam từ người cho chết não, nam bệnh nhân khỏe mạnh chia sẻ bản thân đã tăng được 10kg.

“Những ngày tháng trước khi được ghép khí quản, nhiều lúc tôi muốn nói, muốn chia sẻ lắm nhưng không thể cất thành lời. Cảm giác bất lực đến phát khóc, sống không bằng chết”, anh N. nói với VietNamNet. Giờ đây, anh đã nói được, dù còn rất nhỏ. Bác sĩ Dương Đức Hùng cho biết sau khi rút stent khí quản khoảng 1 tháng nữa, giọng nói của bệnh nhân sẽ "tròn vành rõ tiếng" hơn.

Phẫu thuật ghép khí quản nói chung và phẫu thuật ghép đường thở nói riêng là thách thức lớn trong ngành ngoại khoa và trong y học thế giới. 

Trước đó, năm 2007, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công ghép tự thân khí quản bằng cách lấy một đoạn động mạch chủ ở thận người bệnh ghép vào phần khí quản của họ. Ca ghép khí quản của bệnh nhân N. là trường hợp đầu thành công ghép khí quản từ nguồn hiến là người cho chết não.

Ca bệnh này được kỳ vọng sẽ mở ra tương lai cho những bệnh nhân có tổn thương đoạn khí quản dài trên 6cm (do chấn thương, hẹp bẩm sinh hoặc u...) có thể phục hồi trở lại đường thở tốt nhất.