Giảm nghèo về thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong “bức tranh” tổng thể về chương trình giảm nghèo bền vững, để chương trình giảm nghèo thực sự đi vào chiều sâu, đặc biệt nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã đặc biệt khó khăn, tạo sự đồng thuận trong xã hội, truyền thông phải đi trước, là “cầu nối” đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022), trong đó Bộ Thông tin và truyền thông có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin.
Nội dung hỗ trợ của tiểu dự án này bao gồm các hoạt động sau:
Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện, chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông về giảm nghèo bền vững; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; Hỗ trợ các cơ quan báo chí, xuất bản thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo, kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững;
Tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo; Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới;
Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở; Phát triển hoạt động trang thông tin điện tử về giảm nghèo.
Hậu Giang: Tăng độ “phủ sóng” về thông tin cho người dân
Góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các ngành và địa phương đã triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền, đưa thông tin đến với người dân.
Công tác giảm nghèo được địa phương xác định phải thực sự nâng cao đời sống của người dân. Cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ, địa phương tập trung nâng cao nhận thức của mỗi hộ nghèo. Tuyên truyền về giảm nghèo được thực hiện thường xuyên, liên tục với hình thức phong phú, đa dạng. Các nhóm zalo ở địa phương cũng phát huy hiệu quả tích cực trong truyền thông chính sách giảm nghèo”.
Để tăng độ “phủ sóng” về thông tin cho người dân, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về giảm nghèo.
Cùng với tuyên truyền miệng, các địa phương còn đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội… Nhờ vậy, thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi.
Để thực hiện đạt chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Toàn tỉnh có 6.611 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,29% và 6.741 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,36% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025. Tỷ lệ này sau rà soát tới đây sẽ còn giảm tiếp tục.
Bắc Kạn: Đa dạng các hình thức giảm nghèo về thông tin
Trên địa bàn tỉnh hiện có 73 điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng để người dân các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa được hưởng các dịch vụ như chuyển phát thư, báo chí, bưu phẩm. Các điểm cung cấp dịch vụ bưu chính công cộng phục vụ người dân đọc sách, báo, tạp chí điện tử; cung cấp dịch vụ truy cập internet băng rộng để người dân khai thác những thông tin thiết yếu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những hoạt động này góp phần giảm nghèo về thông tin và thực hiện mục tiêu về chuyển đối số tại các địa phương trong tỉnh.
Nhằm mở rộng diện tích phủ sóng loa truyền thanh tại các thôn và đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã bổ sung lắp đặt thêm các cụm thu loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại những thôn chưa có loa hoặc thay thế cụm loa FM có dây cũ bị hỏng tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời hỗ trợ duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng tại 20 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tỉnh cũng dành kinh phí cho công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác truyền thông cơ sở; đưa các loại hình truyền thông phù hợp tới từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm để giảm nghèo về thông tin cho người dân trên địa bàn, trong đó đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin, giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, thông tin, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững. Cùng với đó là hỗ trợ thực hiện việc duy trì, vận hành cung cấp dịch vụ tại các điểm cung cấp thông tin công cộng để phục vụ Nhân dân tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của các đài truyền thanh xã; nâng cao năng lực cho cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở... Đây là những nhiệm vụ trọng tâm trong Tiểu dự án 1 Giảm nghèo về thông tin, thuộc Dự án 6 Truyền thông giảm nghèo về thông tin trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của tỉnh, qua đó tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của giảm nghèo bền vững trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hà Giang: Nâng cấp đài truyền thanh internet tại 62 xã
Giai đoạn 2022 - 2024, tổng kinh phí thực hiện Dự án 6 trên địa bàn tỉnh trên 56 tỷ đồng. UBND tỉnh đã phân bổ cho Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Các cấp, ngành đã đầu tư mua sắm mới, nâng cấp đài truyền thanh internet tại 62 xã; đầu tư 5 điểm cung cấp dịch vụ thông tin công cộng và 2 cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu quốc tế; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 400 cán bộ thông tin và truyền thông ở cơ sở.
Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, hấp dẫn, dễ hiểu, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trong đó tập trung tổ chức các cuộc thi, hội thi, hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo, đối thoại về chính sách giảm nghèo, in ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu và các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông; hợp đồng với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí T.Ư, địa phương xuất bản các bản tin, phóng sự tuyên truyền về công tác giảm nghèo; giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Qua đó giúp hộ nghèo tiếp cận đầy đủ các thông tin về chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản về dạy nghề, việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh. Hướng dẫn người nghèo chuyển đổi phương thức canh tác, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái và phòng, chống biến đổi khí hậu...
Qua đó góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh với nhiều kết quả nổi bật: Giai đoạn 2022 - 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 12,51% (từ 55,12% xuống còn 42,61%), trong đó tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số giảm từ 72,39% xuống còn 49,23%, giảm 23,16%; vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao là giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm. Ước tính năm 2024, toàn tỉnh tiếp tục giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 4,4%, xuống còn 38,21%.
Tại Điều 14 Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT đã xác định rõ nhiệm vụ công tác thông tin, truyền thông về công tác giảm nghèo đa chiều là Thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời về công tác giảm nghèo đa chiều trên cơ sở các chuẩn nghèo đa chiều quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-20.
Nội dung thực hiện bao gồm:
- Tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo và công tác huy động nguồn lực đóng góp cho công tác giảm nghèo bền vững;
- Tình hình thực hiện giảm nghèo đa chiều trên các lĩnh vực; những kinh nghiệm trong sản xuất, gương điển hình về giảm nghèo bền vững;
- Phổ biến, định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới;
- Về quản lý thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
- Ưu tiên công tác thông tin, tuyên truyền đến khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Việc triển khai nhiệm vụ công tác thông tin, truyền thông về công tác giảm nghèo đa chiều được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm:
- Thông tin, tuyên truyền trên báo chí, xuất bản phẩm: Sản xuất các tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông khác có nội dung về công tác giảm nghèo đa chiều, bao gồm các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục trên các sản phẩm báo chí; đối thoại chính sách trên báo hình, báo nói, báo điện tử.
- Thông tin, tuyên truyền qua các hình thức: Sân khấu hóa; sản xuất, phát hành, đăng tải các sản phẩm truyền thông khác (tờ rơi, sổ tay, video clip, chương trình phát thanh, truyền hình).
- Thực hiện các nội dung truyền thông để phổ biến tại các buổi sinh hoạt cộng đồng có chủ đề về công tác giảm nghèo và tuyên truyền, phổ biến thông qua các hoạt động thông tin lưu động ở cơ sở, ưu tiên thực hiện trên đài truyền thanh xã.
- Tổ chức nói chuyện chuyên đề, phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo, kinh nghiệm, gương điển hình về giảm nghèo tại cộng đồng dân cư.
- Tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, biểu dương, khen thưởng các địa phương, cộng đồng, hộ nghèo và tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giảm nghèo.
- Phát động các cuộc thi về thông tin, tuyên truyền trên báo chí và các hình thức khác về công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững.
- Phát triển, tăng cường hoạt động Trang thông tin điện tử về giảm nghèo của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, bao gồm nâng cấp phần cứng, phần mềm, sản xuất nội dung thông tin để đăng trên trang thông tin điện tử và hỗ trợ duy trì, vận hành Trang thông tin điện tử.