LỜI TÒA SOẠN 

Các quy định mới về phòng cháy chữa cháy đang khiến nhiều doanh nghiệp mắc kẹt. Nhiều công trình đầu tư vốn lớn ngưng trệ vì chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy vướng ở chỗ chính doanh nghiệp cũng không biết phải đáp ứng như thế nào. 

VietNamNet đăng tải tuyến bài phản ánh thực tế này trên nhiều địa phương.

Gần 1 năm chưa được gỡ vướng

Trao đổi với VietNamNet ngày 5/3, ông T, đại diện một công ty ở KCN Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cho biết, nhà xưởng công ty bị chậm đi vào hoạt động so với kế hoạch gần 1 năm vì lý do vướng quy định PCCC mới. Doanh nghiệp cùng nhà thầu thi công đang tìm mọi cách để tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

"Dự án công ty đầu tư hơn 50 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đi vào hoạt động chính thức từ tháng 6/2022. Do vướng quy định PCCC mới, dự án đã kéo dài gần 1 năm và vẫn chưa biết ngày nào mới được nghiệm thu. Một số công nhân phải tạm nghỉ việc", ông T kể.

Chị H.M.P. chủ hai khách sạn ở Đà Nẵng cho biết, các quy định về PCCC khiến doanh nghiệp muốn “ngộp thở”, đối diện với nguy cơ bị đình chỉ, đóng cửa.

Quy định PCCC mới khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. (Ảnh: Hồ Giáp)

Chị P. chia sẻ, khi duyệt hồ sơ, doanh nghiệp được cấp giấy phép theo tình trạng thiết kế nhưng hiện gi quy định mới thì có một số thay đổi.

Đơn cử, lối thoát hiểm cầu thang bộ trước đây duyệt chiều ngang 90-95cm, có cái 90cm vẫn được phép làm lối thoát hiểm phụ nhưng giờ theo quy định mới thì không được.

“Một toà nhà, công trình lớn để khắc phục, sửa lối thoát hiểm mất không ít chi phí. Lối thoát hiểm đã đổ bê tông, phòng ốc đã chia ra, giờ đập đi khung sườn bê tông đó để mở rộng không đơn giản. Trong khi, trải qua mấy năm dịch bệnh, doanh nghiệp cạn kiệt tiền tái đầu tư vào hoạt động, thêm cả quy định PCCC nữa thật sự rất khó cho doanh nghiệp”, chị nói.

Chị dẫn chứng thêm, khi xây dựng khách sạn, do chưa biết quy mô nhà hàng sẽ phục vụ như thế nào nên thiết kế chỗ để 4 bình gas, yêu cầu phải có giấy phép để bảo đảm an toàn, giờ đi vào hoạt động doanh nghiệp thấy chỉ cần 2 bình là đủ. 

Theo quy định hiện nay, 2 bình cũng phải có giấy phép, có thiết kế đường dẫn gas an toàn. Khi làm thiết kế, đưa sang nhà cung cấp gas để họ làm, thì lại trả về. Một bên thì yêu cầu phải có, một bên thì nói không cần, rất bất cập.

Đà Nẵng là địa phương có nhiều cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch. (Ảnh: Hồ Giáp)

Theo chị P, an toàn PCCC là việc mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng quan tâm bởi nó liên quan đến tài sản của chính doanh nghiệp và an toàn của khách. Tuy nhiên, các quy định đang đi vào quá chi tiết, có những cái không thực tế khiến doanh nghiệp khó đáp ứng được. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ, không đáp ứng được thì lại bị phạt, bị đình chỉ. 

Quảng Nam đình chỉ nhiều cơ sở kinh doanh

Tại Quảng Nam, số liệu của công an tỉnh cho thấy, qua kiểm tra 15.670 cơ sở, doanh nghiệp, đã phát hiện và lập biên bản vi phạm, xử phạt hành chính 683 trường hợp, với tổng số tiền phạt là hơn 7,4 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng đã ban hành 17 quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở vi phạm quy định an toàn về PCCC, 54 quyết định đình chỉ hoạt động. Thu hồi 100 Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.

Các trường hợp bị tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động chủ yếu tập trung vào các cơ sở kinh doanh karaoke, điện mặt trời áp mái lắp đặt trên các nhà xưởng, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ…

Chủ một doanh nghiệp kinh doanh karaoke tại TP Tam Kỳ cho biết, đơn vị này bỏ ra gần 2 tỷ đồng để sửa chữa, bổ sung cũng như hoàn thiện mọi thứ đầy đủ từ lối thoát hiểm, các đệm mút trong phòng hát, hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, cấp nước. Tuy nhiên, đã gần 1 năm đóng cửa mà chưa rõ khi nào đủ điều kiện hoạt động trở lại. Hơn một nửa nhân viên của quán đã phải nghỉ việc, chỉ còn 3 người túc trực dọn dẹp cũng như hỗ trợ trong việc sửa chữa.

Cần có lộ trình

Ông Phạm Đắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵng nhìn nhận, khi áp dụng các tiêu chuẩn mới PCCC các doanh nghiệp không chỉ ở Đà Nẵng mà trên cả nước đều gặp khó khăn.

Ông Bình kiến nghị, khi siết chặt quản lý PCCC thì các cơ quan nên có lộ trình để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa hoàn thiện công tác PCCC, vừa kinh doanh sản xuất sau thời gian dài ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, tránh xảy ra tình trạng “bị siết đột ngột và cứng nhắc”.

“Thực tế nếu công trình đã tồn tại từ lâu thì nên có lộ trình để các đơn vị chuyển đổi các yêu cầu về PCCC mới. Nếu cần gấp những vấn đề gì trước để đảm bảo an toàn PCCC thì cơ quan chuyên môn nên hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện. Còn thủ tục khác thiếu thì nên có lộ trình để bổ sung, hoàn thiện”, vị này đề xuất.

Công an Đà Nẵng kiểm tra PCCC tại các cơ sở kinh doanh. (Ảnh: G.X)

Trao đổi với PV.VietNamNet, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có thông báo, hướng dẫn cho các doanh nghiệp có thời gian khắc phục, hoàn thiện các tiêu chuẩn mới trong PCCC.

“Chúng tôi đang đợi kế hoạch ra quân kiểm tra mới từ lãnh đạo công an thành phố để triển khai; cũng như chờ hướng dẫn cụ thể của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH về việc nghiệm thu, kiểm tra trong công tác PCCC”, vị này cho biết thêm.

Theo vị này, vào cuối tháng 12/2022, đơn vị đã thực hiện Kế hoạch số 513 của Bộ Công an và Kế hoạch số 317 của Công an TP về tổng rà soát kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn thành phố.

Trong đó, tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có nguy cơ cháy, nổ cao như: khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất...

Trong khi đó, trao đổi với VietNamNet ngày 5/4, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp karaoke không đáp ứng yêu cầu an toàn về PCCC và CNCH theo quy định, nhất là điều kiện về thoát nạn, vật liệu ốp, lát tại cơ sở... Phần đa các cơ sở này được chuyển công năng từ nhà ở riêng lẻ sang kinh doanh karaoke nhưng không được cấp phép xây dựng và cho phép chuyển đổi công năng theo quy định.

Đối với các cơ sở là nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, theo ông Dũng, công tác quản lý, cấp phép xây dựng, chuyển công năng đối với các công trình còn nhiều thiếu sót; một số công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng, không đúng với công năng và quy mô xin cấp phép nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.

Hiện nay nhiều công trình khi xin phép xây dựng là nhà ở riêng lẻ nhưng khi xong, đưa vào sử dụng lại là kinh doanh nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, kho hàng hóa... dẫn đến các điều kiện về PCCC không đảm bảo.

"Công an tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh, đồng thời tham mưu UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ Công an xem xét một số nội dung, giải pháp thay thế phù hợp với tình hình địa phương.

Chúng tôi cũng đã cùng Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH", ông Dũng nói.