Vực dậy sau cú sốc mất anh trai
Sau SEA Games 32, cầu thủ Trần Thị Thùy Trang (SN 1988, quê Quảng Nam) có chuyến về thăm nhà 2 ngày. Cũng như những lần trước, trong dịp về thăm quê, Thùy Trang đều đến viếng mộ anh trai.
Đứng trước mộ người anh mà mình yêu thương nhất, Thùy Trang lại nhớ đến những ngày lẽo đẽo theo anh đá bóng.
Quê nghèo không có sân bóng, hai anh em cùng bạn bè đá bóng ở ruộng, sân xi măng. Dù thể hình nhỏ nhắn hơn các bạn nam nhưng được chơi cùng anh trai nên Trang không ngại tranh bóng, va chạm…
Từ chỗ chơi cho vui, Trang tham gia vào đội tuyển bóng đá nữ của lớp, của trường. Đến cấp 3, cô thi đấu cho đội tuyển bóng đá nữ của tỉnh, tham dự Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc và đoạt huy chương đồng.
Trước ngưỡng cửa đại học, Trang được anh trai định hướng thi vào Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM (ĐH TDTT TP.HCM). Anh trai luôn dặn dò em gái phải thay mình hoàn thành giấc mơ thể thao.
Thế nhưng, trong những ngày ôn thi đại học, Trang phải gánh chịu một cú sốc quá lớn.
“12h khuya, người ta báo với gia đình là anh gặp tai nạn. Tôi nghe tin mà gục ngã, chỉ biết cầu nguyện nhưng phép màu đã không xuất hiện”, Thùy Trang xúc động.
Lúc đó, Trang suy sụp và không muốn thi đại học nữa. Không thể đối diện sự thật mất anh trai, Trang sang nhà bạn ở tạm.
Cầu thủ Thùy Trang kể: “Khoảng thời gian đó, tôi thường ra bờ sông ngồi khóc và từng muốn đi theo anh.
Tuy nhiên, khi suy nghĩ thông suốt, tôi quyết định tiếp tục ôn thi, theo con đường thể thao mà anh trai mong muốn. Đó cũng là cách tôi thay anh hoàn thành đam mê”.
Sát ngày thi đại học, Trang khăn gói vào TP.HCM một mình. Từ quê ra phố, Trang may mắn được một người chị cùng quê cho ở tạm. Người này còn chở Trang đi thi, lo từng miếng ăn giấc ngủ…
Để vào ĐH TDTT TP.HCM, ngoài các môn Toán và Sinh, thí sinh phải bước vào phần thi năng khiếu.
Chưa từng học qua kỹ thuật đá bóng chuyên nghiệp, Trang hồn nhiên thể hiện năng khiếu dẫn bóng, chạy tốc độ… như lúc chơi bóng ở quê.
Thế nên, lúc nhận tin báo thi đậu chuyên ngành bóng đá, ĐH TDTT TP.HCM, Trang vừa vui mừng vừa bất ngờ.
Lương cơ bản hơn 5 triệu đồng
Năm nhất đại học, Thùy Trang được gia đình hỗ trợ tiền học phí. Thế nhưng, những năm học sau, cô đều cố gắng giành được học bổng và làm thêm để lo tiền học, tiền sinh hoạt…
Với kiến thức và sự cọ xát thực tế sân cỏ, nữ cầu thủ nhận làm trọng tài cho các trận đấu giao hữu, phong trào. Trang thường được trả từ 120 - 200 nghìn đồng cho mỗi trận đấu.
Ngoài làm trọng tài, Thùy Trang còn làm thêm nhiều việc khác, trong đó có cả làm giúp việc, rửa chén thuê…
“Bất cứ việc gì kiếm được tiền chân chính tôi đều làm, không nề hà chuyện người khác khinh thường, chê cười…”, Thùy Trang tâm sự.
Năm 2009, Trang nhận được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải Futsal sinh viên TP.HCM. Từ đây, Thùy Trang được các thầy ở Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1 mời gia nhập câu lạc bộ (CLB) TP.HCM.
Thế nhưng, cô từ chối để tập trung cho năm học cuối. Mãi đến khi tốt nghiệp đại học năm 2010, cô mới quyết định tham gia CLB TP.HCM.
Cũng trong năm 2010, Trang được vào đội tuyển futsal TP.HCM để tranh giải futsal toàn quốc. Mùa giải này, nữ cầu thủ quê Quảng Nam cùng đội TP.HCM giành được huy chương đồng.
Cuối năm 2010, khi vừa lên đội tuyển futsal Việt Nam, Trang gặp ngay chấn thương gãy xương đòn, phải nghỉ gần 3 tháng.
Trong khoảng thời gian tạm nghỉ, dù chân chưa lành hẳn nhưng cô vẫn lao vào tập luyện hăng say. Việc này khiến vết mổ cũ tổn thương, phải phẫu thuật một lần nữa.
Sau chấn thương, Trang cũng ngại va chạm. Thế nhưng, vào thi đấu, sức hút của trái bóng tròn khiến cô cứ lao về phía trước.
Hai lần tham dự SEA Games 26, 27, Thùy Trang góp công đổi màu huy chương từ bạc sang vàng cho đội tuyển futsal Việt Nam.
Đến năm 2014, Thùy Trang được gọi lên tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của HLV Mai Đức Chung, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tiên bước vào bán kết Asiad 17.
Trước kỳ tích này, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam được thưởng lớn. Nhớ lại dấu son ấy, Thùy Trang chia sẻ: “Đó là lần đầu tiên tôi và đồng đội được thưởng mức A, lên đến 90 triệu đồng”.
Sau khi giữ lại một phần cho cá nhân, Thùy Trang mang tiền thưởng về nhà biếu bố mẹ, quà cáp cho anh chị em và các cháu.
Hiện tại, lương cơ bản ở CLB của Trang được hơn 5 triệu đồng/tháng. Những tháng được tập trung lên tuyển quốc gia, lương sẽ cao hơn và có thêm tiền thưởng.
Hàng tháng, Thùy Trang đều đặn gửi tiền, thuốc bổ… về quê cho bố mẹ. Bố của Trang bị tai biến, mẹ xấp xỉ 80 tuổi nên không còn khả năng lao động.
Hơn 10 năm theo nghiệp quần đùi áo số, cầu thủ Thùy Trang đã có được nhiều danh hiệu cá nhân lẫn tập thể.
“Tôi từng dự tính sau World Cup 2023 sẽ giải nghệ. Thế nhưng, hiện tại, tôi vẫn còn đam mê, chưa muốn dừng lại”, Thùy Trang bày tỏ.
Thế nên, người hâm mộ sẽ vẫn còn cơ hội nhìn thấy hình ảnh Thùy Trang ngước lên trời, cầu nguyện trước mỗi trận đấu.
Đó là khoảnh khắc Trang gửi sự biết ơn, tình yêu thương đến anh trai đã mất.
Ảnh: Nhân vật cung cấp