w dan toc thieu so 49927.jpg

Bất ngờ khi “vùng đất khát” có cây gia vị tốt nhất thế giới
Lục khu là tên gọi chung của 12 xã đặc biệt khó khăn sát biên giới huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Mông, Dao…

Không có sông suối nào chảy qua, nơi đây được mệnh danh là “vùng đất khát”. Bao đời sản xuất nông nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa tự nhiên và sương sớm, trong khi khí hậu và thời tiết ngày càng khắc nghiệt, diễn biến bất thường, thu nhập của người dân vô cùng bấp bênh.

Để cải thiện sinh kế, từng bước xóa đói giảm nghèo, nhiều mô hình sản xuất đã được triển khai hiệu quả tại Hà Quảng.

Một trong những mô hình tâm đắc nhất đối với ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng, là trồng gia vị hữu cơ để xuất khẩu.

“Hà Quảng triển khai mô hình trồng gia vị hữu cơ từ năm 2015-2016, khi toàn tỉnh Cao Bằng chưa ai làm. Ban đầu khoảng 5ha, sau đó mở rộng dần, đến giờ có gần 500ha, tập trung sản xuất một số loại cây như gừng, nghệ, ớt, củ sả... đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường rất khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc…”, ông Hính kể.

w dan toc thieu so cao bang 49929.jpg

Theo ông Hính, dân Hà Quảng vốn dĩ đã quen sản xuất hữu cơ từ rất lâu nay. Cây gia vị được chăm bón bằng phân chuồng hữu cơ vi sinh, không dùng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật… 

Doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm còn hướng dẫn thêm cho bà con về kỹ thuật chăm bón cây để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, từ cách làm đất, bổ luống, che phủ cây giống, chăm bón (ủ phân chuồng hoai mục kết hợp với phân vi sinh hữu cơ), đến cách xử lý cây bị sâu bệnh…

Sự tuân thủ các tiêu chuẩn hữu cơ trong toàn chuỗi sản xuất cây gia vị ở Hà Quảng nhằm hướng tới mục tiêu chung tay phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Nhiều năm thu mua các loại cây gia vị hữu cơ của dân Hà Quảng để chế biến sản phẩm xuất khẩu, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp và Tư vấn Môi trường (DACE) chia sẻ thông tin khá bất ngờ: “Đất đá ở đây vẫn có thể bổ sung chất dinh dưỡng cho cây gia vị. Các đối tác từ Mỹ, Nhật, châu Âu… nhập khẩu gia vị từ của nhiều quốc gia, đã đánh giá gia vị tại Hà Quảng là loại tốt nhất thế giới”.

w cao bang dan toc thieu so 5 49930.jpg

Tiếp sức cho người dân mở rộng mô hình sinh kế bền vững
Trên vùng đất sỏi đá khô cằn, những nương ngô dần được thay thế bằng nương gừng, nghệ, ớt… hữu cơ xanh tốt.

Sự đổi thay tích cực này có được là nhờ khá nhiều chương trình hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước như phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (gọi tắt là Chương trình 1719), giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp thông minh…

Trong đó, có những chương trình cấp không giống cây cho bà con, có những chương trình người dân phải đối ứng khoảng 50 - 70%...

Năm 2024, nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình 1719 hỗ trợ bà con Hà Quảng đạt gần 80 tỷ đồng. Trong đó, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất gần 50 tỷ đồng (gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ khoanh nuôi và bảo vệ rừng). Riêng hỗ trợ cho mô hình trồng gia vị hữu cơ khoảng 3-4 tỷ đồng.

“Chúng tôi hỗ trợ vốn, giống cây và phân vi sinh trong 1 năm đầu, giống như tặng “cần câu” cho bà con. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ đưa diện tích trồng các loại cây gia vị hữu cơ lên 1.000ha. Tới đây, chúng tôi tiếp tục hợp tác với một số doanh nghiệp ngoài tỉnh Cao Bằng để vận hành những nhà máy chế biến sâu tại địa bàn Hà Quảng”, ông Hính thông tin thêm.

w cao bang dan toc thieu so 2 49934.jpg

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ năng suất không lớn nhưng giá trị kinh tế sẽ cao hơn sản phẩm nông nghiệp thông thường, vì người mua sẵn sàng trả cao hơn vài giá để sử dụng sản phẩm sạch, không gây hại cho sức khỏe. Bình quân mỗi héc ta gừng có thể mang lại 400 – 450 triệu đồng doanh thu.

“Các loại cây gia vị hữu cơ đã trở thành một nguồn sinh kế bền vững. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn sẽ phát triển hơn nữa mô hình này, góp phần nâng cao đời sống của bà con vùng cao Lục khu Hà Quảng”, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng bày tỏ.