Cây huyết dụ là cây gì?
Huyết dụ tên khoa học là Dracaena terminalis. Đây là loại cây trồng được ứng dụng trong cuộc sống khá nhiều như làm cảnh hoặc làm thuốc.
Trong trang trí nội thất, cây huyết dụ thường dùng làm cây cảnh đặt ở phòng khách hoặc khách sạn,... bởi loại cây này dễ chăm sóc, sức sống tốt và màu sắc bắt mắt.
Cây huyết dụ có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, thường được trồng ngoài trời, tuy vậy loại cây này vẫn thích hợp trồng ở nơi có điều kiện ánh sáng trung bình như ở trong nhà. Sau đây là những thông tin tổng quan về loại cây thảo dược này:
Lá mọc từ ngọn, tập trung thành cụm, xếp thành 2 dãy. Hình dáng lá dài trông như lưỡi kiếm, kích thước của lá dài khoảng từ 20 – 50cm, rộng khoảng 5 – 10cm. Hai mặt lá màu đỏ tím tía, cuống lá dài.
Cây huyết dụ là cây thân thảo, có thân mảnh, nhỏ, nhiều đốt sẹo, chiều cao khoảng 1 - 2m và mọc thành từng khóm.
Hoa huyết dụ mọc thành từng cụm ở ngọn, dài khoảng 30 – 40cm. Hoa có màu trắng, bên ngoài màu tía. Cây huyết dụ ra hoa khoảng tháng 12 hàng năm. Quả có hình cầu và mọng.
Ý nghĩa trong phong thủy của huyết dụ
Huyết dụ mang đến cho người ta niềm tin về sự may mắn trong phong thủy, có tác dụng giữ tiền của và tài lộc cho gia chủ bởi những tán lá màu đỏ. Ngoài ra, cây huyết dụ còn được trồng để xua đuổi tà ma.
Trong phong thủy người ta sẽ phân chia thuộc tính ngũ hành của các loại cây dựa vào màu sắc và tính âm dương phụ thuộc vào độ sáng tối của màu sắc cây. Như vậy, dễ thấy rằng cây huyết dụ thuộc hành hỏa do có màu đỏ, tính dương mạnh.
Vì vậy cây huyết dụ sẽ giúp gia chủ gặp nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống với những người mệnh Thổ và mệnh Hỏa. Ngược lại, những người mệnh Kim không nên dùng cây huyết dụ làm vật trang trí vì Kim sẽ khắc Hỏa.
Tác dụng của cây huyết dụ
Theo một số chuyên gia về thuốc, cây huyết dụ được có một số tác dụng về mặt chữa bệnh. Cụ thể:
Theo nghiên cứu của Tây y: Tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, chống ung thư dạ dày. Có khả năng kháng khuẩn, tác dụng mạnh với khuẩn Enterococcus, Staphylococcus,… tăng co bóp tử cung, gây độc cho tế bào ung thư.
Theo nghiên cứu của Đông y: Tác dụng cầm máu, bổ huyết, làm mát huyết, tán ứ, định thống, tiêu ứ. Thường dùng để chữa rong kinh, phong thấp, lỵ, xích bạch đới. Trị ho gà ở trẻ em, viêm ruột lỵ. Trị lao phổi, lậu huyết, băng huyết, ho thổ huyết, đau nhức xương, kinh nguyệt ra nhiều (rong kinh), kiết lỵ ra máu,…
Tuy nhiên, đây chỉ là một số tư vấn tham khảo, độc giả không nên tự ý sử dụng. Nếu độc giả muốn áp dụng, cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa hoặc các thầy thuốc đông y có uy tín, kinh nghiệm. Như vậy, tránh xảy ra trường hợp đáng tiếc.
Cách trồng và chăm sóc cây huyết dụ
Cây huyết dụ tương đối dễ trồng và dễ chăm sóc để sinh trưởng và phát triển tốt. Có hai cách trồng cây huyết dụ đó là: Giâm cành và gieo hạt. Trong đó, giâm cành là phương pháp được trồng phổ biến hơn.
Bạn lưu ý một vài thao tác sau đây để chậu cây huyết dụ đẹp: Cây không quá ưa nước, nhưng lại chịu hạn kém. Vì thế nên thường xuyên tưới nước cho cây, nhưng lưu ý không được để ứ nước.
Thường xuyên cắt tỉa các nhánh lá tàn, lá bị sâu bệnh để tránh ảnh hưởng và lây sang các cành, lá khác. Nếu trồng huyết dụ trong chậu nên thay đất mỗi năm một lần, tốt nhất nên thay vào mùa xuân. Bón thêm phân hữu cơ, phân vi sinh để cung cấp dinh dưỡng cho cây, tuy nhiên không nên bón vào mùa đông.
Cây huyết dụ sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam. Cây thích hợp trồng ở khí hậu nóng ẩm và nơi có đầy đủ ánh nắng. Bạn nên trồng ở những chậu đất tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt và có khả năng giữ ẩm.
Giá cây huyết dụ và mua cây huyết dụ ở đâu?
Hiện nay trên thị trường, cây huyết dụ có giá khá rẻ, dao động từ 55.000 đồng - 150.000 đồng là bạn sở hữu được chậu cây đẹp.
Các địa chỉ bạn có thể mua cây huyết dụ: Trang web chuyên về cây, cửa hàng bán cây cảnh, nhà vườn, trang facebook chuyên mua bán cây cảnh...