Nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), cây ổi gần 90 năm tuổi biết “cười” khiến bất cứ du khách nào tới cũng tò mò ghé thăm. Cây ổi nằm bên lăng mộ vua Lê Thái Tổ, tuy gầy guộc, khẳng khiu, chỉ cao chừng 3 mét thế nhưng quanh năm xanh tốt, đến mùa vẫn cho quả ngọt trĩu cành, tỏa hương thơm lừng. Những người quản lý khu di tích thường hái quả đẹp, thơm kính cẩn mang đến dâng lên mộ vua.
Chuyện về cây ổi biết cười được người dân và du khách truyền tai nhau từ nhiều năm về trước. Khi ấy, một du khách tình cờ phát hiện, khi ai đó sờ nhẹ lên thân cây (đặc biệt là ở những kẽ cây, nơi giao giữa thân và cành), đầu lá sẽ rung lên như đang cười. Nếu du khách nắm tay vào cành và nhắm mắt lại tĩnh tâm một chút, họ như có cảm giác khác lạ, người bỗng thấy nhẹ nhõm, thanh thản.
Theo lời chia sẻ của hướng dẫn viên trong khu di tích, năm 1933, ông Trần Hưng Dẫn (thôn Hành Thiện, Nam Định) đã vào cung tiến. Ông Dẫn vốn hiếm muộn con nên đã cầu tự trước mộ vua Lê Thái Tổ. Để tỏ lòng thành, ông cung tiến 4 tượng voi, 2 cây long não và cây ổi để trồng trong khu lăng mộ.
Vào năm 1994, khi du khách đến đây tham quan thì phát hiện ra cây ổi đã có những tín hiệu kỳ lạ khi ai đó chạm vào. Theo đó, chỉ cần gãi nhẹ vào gốc hoặc thân, tất cả các tán lá đều rung lên.
Cuối năm 2001, nhà thơ Hoàng Ngọc Phác (quê Phú Thọ) sau một lần viếng thăm vua Lê, bằng tâm hồn nhạy cảm của một thi sĩ khi thấy những điều kỳ lạ ở cây ổi, đã đặt tên cho cây là cây ổi cười.
Năm 2008, Bộ Khoa học Công nghệ cũng đã có đề án nghiên cứu cấp quốc gia về dòng gen của cây ổi ở Lam Kinh, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Hiện nay, Chính điện Lam Kinh (thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã chính thức mở cửa đón khách du lịch tham quan, chiêm bái, sau 12 năm phục hồi, tôn tạo. Đến đây du khách rất thích thú khi được chiêm ngưỡng hoàn toàn nội thất bên trong Chính điện dát vàng và tự tay gãi cây ổi cười bên Lăng mộ vua Lê Thái Tổ.
Chính điện Lam Kinh được khởi công tu bổ, tôn tạo từ năm 2010, trên diện tích hơn 1600m2. Chính điện hình chữ Công, gồm Tiền điện - Quang Đức (với ý nghĩa là tài cao, đức độ của vua Lê Thái Tổ sẽ muôn đời tỏa sáng); Trung điện - Sùng Hiếu (tôn sùng đạo hiếu) và Hậu điện - Diên Khánh (vun đúc sự tốt lành của vương triều nhà Lê).
Theo một lãnh đạo của Ban Quản lý di tích, Chính điện Lam Kinh sau khi phục dựng, tu bổ đã trở thành công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và phức tạp nhất tại tỉnh Thanh Hóa, với khối lượng gỗ lim hơn 2000m3, bên trong toàn bộ nội thất được dát vàng, giá trị lên tới 40 tỷ đồng.
Lê Văn Dương - Linh Trang