Có nguồn gốc từ châu Á, sả (tên khoa học là Cymbopogon citratus) còn được trồng ở các môi trường nhiệt đới khác như châu Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ. Cây gia vị này tạo hương vị phổ biến trong các loại trà thảo mộc, súp và những món ăn khác.
Sả cũng được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị một số bệnh khác nhau liên quan đến tiêu hóa, sốt, hệ thần kinh. Ngoài ra, sả còn là thành phần tạo hương thơm trong trị liệu và thuốc chống côn trùng.
Chống viêm
Nhờ có chất chống oxy hóa quercetin (một loại flavonoid - chất dinh dưỡng thực vật), sả có thể ngăn chặn hóa chất gây viêm trong cơ thể dẫn đến nhiều bất ổn sức khỏe khác nhau.
Tốt cho tim mạch
Nghiên cứu đăng tải trên Mdpi của các nhà khoa học Bồ Đào Nha đã phát hiện sả có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm lipoprotein mật độ thấp (LDL), được coi là cholesterol “xấu”, chống tăng huyết áp.
Kháng khuẩn
Đặc tính kháng khuẩn của sả chống lại nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm nhiễm trùng miệng do vi khuẩn có thể dẫn đến sâu răng. Sả có thể có lợi trong điều trị nhiễm nấm và các tình trạng viêm da khác gây ra.
Hỗ trợ tiêu hóa
Sả là phương thuốc chữa chứng khó chịu ở dạ dày, có tác dụng làm giảm độc tính của E. coli, bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Một nghiên cứu khác được thực hiện trên động vật cho thấy tinh dầu sả có thể bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi bị loét dạ dày.
Chống ung thư
Các thành phần tự nhiên trong sả chống lại một số loại ung thư bằng cách tăng cường hệ miễn dịch hoặc tiêu diệt tế bào gây hại. Mặc dù phát hiện này đầy hứa hẹn nhưng nếu bạn mắc tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như ung thư, tốt nhất bạn nên tới bệnh viện để có hướng điều trị thích hợp.
Lợi tiểu
Là một thành phần phổ biến trong đồ uống như trà giải độc, sả có thể hữu ích trong quá trình giảm cân và tăng cường trao đổi chất. Đây là một loại thuốc lợi tiểu tự nhiên (làm giảm sự tích tụ chất lỏng) nhưng cần có nhiều nghiên cứu hơn về những đặc tính cụ thể này trước khi khuyến khích sử dụng sả rộng rãi.
Thuốc giảm đau và giảm sốt
Các hóa chất tự nhiên trong sả có thể giúp giảm đau, sưng và sốt do tác dụng làm dịu và chống viêm.
Tác dụng phụ
Sả nói chung an toàn cho hầu hết mọi người nhưng vẫn có một số tác dụng phụ và tương tác tiềm ẩn cần cân nhắc khi sử dụng sả bằng đường uống, bôi tại chỗ hoặc trị liệu.
Theo Sciencedirect, nghiên cứu của Khoa Da liễu, Đại học Missouri (Mỹ) ghi nhận, nhiều loại tinh dầu sả có khả năng gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Ngoài ra, hấp thụ một lượng lớn chiết xuất sả có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, tiểu nhiều.
Khi dùng lượng lớn trong thời gian dài, sả có thể gây tổn thương chức năng gan, dạ dày hoặc thận.
Những người mang thai được khuyên tránh ăn sả vì nghiên cứu cho thấy một số hợp chất có trong sả có thể gây độc cho thai nhi đang phát triển.