Cây sanh với chậu dát vàng, giá 20 tỷ của nghệ nhân Nam Định
Cây sanh Nam Điền có tên "Đại thế vân tùng" vừa được trưng bày tại triển lãm sinh vật cảnh ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Đây là tác phẩm sanh thế được xem là độc nhất vô nhị tại Việt Nam.
Chủ nhân cây sanh này là anh Phan Văn Thái (Nam Định). Anh Thái cho biết trên VTC News, tác phẩm "Đại thế vân tùng" có tuổi thọ khoảng 75 năm. Từ nhiều năm nay, cây sanh đã nức tiếng trong làng cây cảnh cả nước.
Ngoài cái tên mỹ miều trên, tác phẩm còn một tên khác, đó là cây “bể dát vàng”. Tác phẩm được ngự trên một chiếc bể dát hơn 5 cây vàng 9999 với tổng giá trị thời điểm vài năm trước lên đến 185 triệu đồng. Cây sanh được chủ nhân định giá lên tới 20 tỷ đồng.
Loài cá hiếm 300.000 đồng/kg
Nhiều người không biết tới loại cá mát bởi chúng là một loại cá sạch, chỉ có thể sống ở những vùng nước trong hoặc vùng nước có thác. Sức khỏe và Đời sống thông tin, cá mát ở Tam Hợp (Nghệ An) lớn chỉ bằng 2-3 ngón tay người lớn, con to nhất cũng chỉ nặng từ 500-800 gram.
Ở miền tây Nghệ An nói chung, xã Tam Hợp nói riêng cá mát được khai thác từ các khe, suối ở thượng nguồn nên có vị thơm ngon riêng, trở thành các món ăn đặc sản với thương hiệu "cá mát sông Giăng", "cá mát Nghệ An" hay "cá mát miền Tây xứ Nghệ".
Nếu ngày xưa chỉ người nghèo mới ăn loại cá này vì giá thành rẻ thì giờ đây nhiều gia đình khá giả muốn thưởng thức cũng phải đỏ mắt tìm mua. Trên chợ mạng, cá mát có giá bán là 290.000 đồng/kg với cỡ cá 200 gram/con. Thịt cá trắng, thơm, không tanh, lành và nhiều chất dinh dưỡng, xương cá rất cứng và ít xương.
Quán bún đầu cá siêu hút khách ở Hà Nội
Quán đầu cá độc lạ nằm trên con phố Hồng Phúc (Ba Đình, Hà Nội) là một điểm đến của các tín đồ ẩm thực. VTC News cho hay, 22 năm trước, khi mới mở, quán của bà Lương Thị Luyến cũng bán bún cá, điểm khác biệt là bà dùng cá trắm chứ không phải cá rô phi giống như hầu hết những quán khác. Nhưng vì vắng khách, mà phần đầu cá lại thừa mứa không tận dụng được, bỏ đi thì rất lãng phí nên bà Luyến đã tìm cách chế biến đầu cá thành món ăn độc đáo.
Đầu cá được bổ dọc làm đôi, sau khi vệ sinh sạch sẽ thì được chiên trên lửa nhỏ tạo vị ngọt, giòn, mềm cả xương và dần trở thành món ăn khoái khẩu của rất nhiều thực khách, đặc biệt là dân nhậu. Khách có thể chỉ ăn đầu cá hoặc thịt cá hay lòng cá… hoặc là tùy chọn kết hợp các loại và còn có thêm cả chả cá. Mỗi suất có giá từ 40.000 - 150.000 đồng. Trung bình mỗi ngày, quán bà Luyến bán hết khoảng 1,2 tạ cá trắm.
Người phụ nữ trồng giống gạo lạ biến ruộng hoang thành cánh đồng "vàng"
Bỏ phố về quê, chị Nguyễn Thị Thanh Nga (SN 1986) đã biến cánh đồng hoang thành nông trại lý tưởng, làm nông nghiệp sạch và phát triển du lịch xanh. Chị Nga chia sẻ trên Dân Trí: "Lúc bấy giờ đang có công việc ổn định là nhân viên văn phòng, khi quyết định về quê làm nông nghiệp, mua lại lò gạch cũ, mọi người đều bảo tôi "hâm".
Có thời điểm, ba mẹ còn mời thầy cúng để trừ tà. Cái biệt danh "Thị Nở" cũng là do cái lò gạch cũ này, mọi người gọi vui vợ chồng tôi là "Thị Nở, Chí Phèo" thời hiện đại".
Trên cánh đồng 2ha, chị Nga quyết định canh tác lúa tím than vì thấy phù hợp với ruộng đất này. Gạo tím than được xem là "vua" của các loại gạo, hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều chất có khả năng thanh lọc cơ thể, kháng ung thư, giá thành cao, được thị trường ưa chuộng nhưng rất ít nơi trồng, hầu hết đều nhập từ nước ngoài. Cách gieo trồng, chăm sóc giống lúa này cũng không khác mấy so với các loại lúa khác nhưng theo phương pháp hữu cơ, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào.
Cà Mau có tổ ong mật, nồi lẩu mắm lớn nhất Việt Nam
Chiều 29/4, tại Trung tâm Văn hóa, truyền thông và thể thao huyện U Minh (Cà Mau), một tổ ong mật được công bố kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Zing thông tin, tổ ong có trọng lượng 43 kg, dài 2,2 m, rộng một m, dự kiến cho 15 lít mật, thuộc điểm du lịch sinh thái Mười Ngọt. Nội dung xác lập kỷ lục Việt Nam cho tổ ong mật nằm trong sự kiện Hương rừng U Minh, kéo dài từ 29/4 đến 1/5.
Ngoài tổ ong mật, tại sự kiện "Hương rừng U Minh", tổ chức kỷ lục Việt Nam đã đánh giá để xác lập "Lẩu mắm lớn nhất Việt Nam". Nồi lẩu mắm phục vụ hơn 300 thực khách. Nồi lẩu kỷ lục có kích thước đường kính 125 cm, cao 40cm, chứa 45 lít nước, sử dụng than dạng “cù lao”. Nguyên liệu lẩu mắm bao gồm 10 g nắm cá đồng và hàng chục kg tôm, thịt heo, cá lóc, cá rô, mực, lươn rừng U Minh… với hơn 20 loài rau nhúng lẩu.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)