Mới đây, anh N. (tên nhân vật đã được thay đổi) đăng tải lên mạng xã hội những hình ảnh về cây thông ở cung đường Tà Năng - Phan Dũng bị chặt phá.
Phần thân của những cây thông này bị chặt xén đến gần lõi, trông rất nham nhở. Anh N. cho biết, một vài bạn trẻ trong nhóm phượt khi tới đây đã cắt vỏ thân cây thông hai bên đường để lấy nhựa nhóm lửa.
"Ngay lối đi từ Tà Năng qua Phan Dũng, đoạn Ngã Ba Lạc, tôi thấy một số cây thông bị chặt phá nên chụp ảnh lại. Tôi nghĩ có thể thợ rừng hoặc dân địa phương chặt trước rồi vài bạn trẻ khi cắm trại ở đây bắt chước làm theo để lấy ngo (lõi cây thông - PV) nhóm lửa.
Đây không chỉ là hành vi phá hoại môi trường mà còn có thể gây nên tình trạng cây bị chết hay đổ gãy bất ngờ", anh N. nói
Cây thông trong rừng ở cung Tà Năng - Phan Dũng bị "xẻ thịt" lấy nhựa. |
Không chỉ xuất hiện tình trạng chặt thông lấy nhựa mà ở cung Tà Năng - Phan Dũng, anh N. còn chứng kiến việc một số du khách gom gậy lại, chất thành đống ở điểm kết thúc tuyến đi rồi đốt. Theo anh, việc làm này rất nguy hiểm vì nếu không dập tắt lửa hoàn toàn có thể dẫn đến cháy rừng.
Ngoài ra, cũng có tình trạng du khách vứt đồ ăn thừa xuống khe suối, gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.
Cây thông bị chặt phá đến tận lõi có thể đổ gãy bất cứ lúc nào. |
Trong chuyến trekking này, anh N. cùng các thành viên trong nhóm cũng chú ý thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan xung quanh.
"Rác thải được chúng tôi gom lại, mang về. Chúng tôi cũng sử dụng gậy kỹ thuật, không chặt tre trong rừng làm gậy. Quá trình di chuyển không được bẻ, hái hay giẫm đạp lên các cây non.
Khi ra về, phải kiểm tra kỹ và chắc chắn rằng lửa trại đã được dập tắt hoàn toàn,... Tôi cũng hy vọng những du khách khác khi tới đây cần chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường, không phá hoại cảnh quan xung quanh để không xảy ra những tình huống đáng tiếc", anh N. chia sẻ.
Tà Năng - Phan Dũng là cung đường dài hơn 50km thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận. Nơi đây có thảm thực vật đa dạng, khung cảnh hùng vĩ và được mệnh danh là cung trekking đẹp nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, một số phượt thủ từng chinh phục cung này cho biết, tình trạng chặt phá cây rừng hay xả rác ra xung quanh đã từng xuất hiện nhiều lần.
Phượt thủ Đ.T.H từng 2 lần khám phá cung Tà Năng - Phan Dũng chia sẻ: "Mỗi người cắt vỏ, đục khoét một chút rồi tạo thành vết sâu hoắm đến tận lõi khiến cây bị gãy, đổ rạp xuống đất.
Không chỉ một mà nhiều cây thông trong rừng bị chặt phá như vậy. Địa hình ở đây khá phức tạp nên tình trạng phá hoại này cũng chưa được kiểm soát tốt. Mình mong du khách nên chủ động mang theo vật dụng cần thiết hoặc tham khảo hướng dẫn từ mạng internet và hỏi người có kinh nghiệm để có chuyến đi an toàn".
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng phẫn nộ vì hành động thiếu ý thức của một bộ phận du khách gây ảnh hưởng đến địa điểm du lịch.
Trước đó, ngày 30/11, đơn vị quản lý đồi chè Ô Long (Sa Pa, Lào Cai) cũng buộc phải thông báo đóng cửa, không cho khách vào tham quan chỉ sau 3 ngày mở cửa miễn phí.
Lý do là một số du khách có những hành động thiếu ý thức như giẫm đạp, ngắt hoa, bẻ cành, xả rác bừa bãi... gây hư hại nghiêm trọng đến đồi chè và các tài sản liên quan.
'Xứ sở ngàn lau' Bình Liêu đẹp mê hồn, từ MV của Sơn Tùng M-TP đến đời thực
Vẻ đẹp hoang sơ, hút hồn của những đồi cỏ lau trắng muốt tại huyện Bình Liêu, Quảng Ninh vừa xuất hiện trong MV "Chúng ta của hiện tại" của Sơn Tùng M-TP, khiến bao người say đắm.
Theo Dân trí