Sáng hôm qua (3/4), một cây xanh trong sân Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) bất ngờ bật gốc, ngã đổ trong lúc rất đông phụ huynh đưa con đến trường.
6 người bị thương, trong đó có 1 học sinh, và nhiều xe máy hư hỏng. Trong đó có 1 phụ nữ đang mang thai bị rách thận, vỡ gan... Thật đau xót!
Còn nhớ, cách đây mới 3 năm, cây xanh tại một số trường học ở TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội… bị bật gốc. Đã có trường hợp học sinh tử vong vì cây đè.
Nhiều ý kiến chia sẻ, đưa ra những kinh nghiệm giúp các trường chăm cây, trồng cây, góp phần xây dựng trường học xanh, đẹp và an toàn.
Nhưng bài học đó như vẫn “chưa thuộc” với một số người trong cuộc.
Tâm và tầm của cán bộ quản lý trường học
Trên thực tế, cây xanh là một bộ phận gắn chặt, thậm chí tác động lớn đến việc dạy học, góp phần xây dựng thương hiệu nhà trường.
Vì thế, hiệu trưởng phải có kế hoạch chi tiết, chu đáo và hướng dẫn cho phó hiệu trưởng và các bộ phận khác tổ chức thực hiện.
Việc trồng cây gì ở trường học tùy vào đặc điểm mỗi địa phương, kinh phí, sự lựa chọn của thầy cô, phụ huynh.... Song, điểm chung là phù hợp với cảnh quan nhà trường, thời tiết, thẩm mỹ, và đặc biệt là an toàn cho mọi người.
Dù là cây thân thảo hay cây thân gỗ đều phải chăm sóc cẩn thận: Định kỳ thay đất (thêm đất), bón phân, phòng trừ sâu bệnh, mùa khô cây thân gỗ cũng cần nước.
Trường phải có kế hoạch để bảo vệ, nhân viên tạp vụ (hoặc hợp đồng với các đơn vị chuyên môn ngoài trường) chăm sóc, cắt tỉa, trồng mới. Và có thể để học sinh tham gia vào một số công việc trong quá trình nuôi dưỡng cây xanh.
Với tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, nên cùng với chăm sóc cây xanh, các trường cần lường trước những rủi ro để có biện pháp phòng tránh.
Công tác quản lý thường nhật, với hiệu trưởng, là khá dày. Nhưng có việc nào ưu tiên bằng giữ cho thầy cô và học sinh của trường được an toàn?
Tôi biết có hiệu trưởng khi bộ phận giúp việc đề xuất cắt tỉa cây, mua phân bón cho cây, đã để rất lâu mà chẳng giải quyết.
Nếu sự cố xảy ra, gây nguy hiểm đến thân thể, tính mạng của học sinh, phụ huynh hay giáo viên, hiệu trưởng tính sao? Có những thiệt hại không bù đắp được, vạn lời xin lỗi cũng không thể nguôi ngoai, ngay cả với chính người hiệu trưởng.
Trồng và chăm sóc cây xanh, suy cho cùng, là tâm và tầm của người cán bộ quản lý trường học. Quản trị trường học là thế, là những việc cụ thể, làm bằng tất cả trách nhiệm và tâm huyết chứ đâu cần loay hoay tìm “cùng trời cuối đất” những việc quá lớn lao.
Cây xanh tươi tốt là “thu nhập tăng thêm” cho giáo viên
Tôi ví von vậy vì có hiệu trưởng khi anh em đề xuất gì cũng viện lý do “tiết kiệm kinh phí cho thu nhập tăng thêm dịp cuối năm”. Để được duyệt nhanh, có giáo viên khi trình ký đã phải nhấn mạnh “Thầy ơi, em xin chủ trương, không đề xuất kinh phí”.
Khi sân trường nhiều cây và hoa, thầy trò sẽ luôn thấy thoải mái, gắn bó, tự hào hơn với nơi mình đang giảng dạy, học tập. Việc trường vui, lan tỏa về gia đình, thêm năng lượng để “giỏi việc trường, đảm việc nhà” - đó cũng là thu nhập tăng thêm về mặt tinh thần, là nguồn lực quan trọng cho giáo dục.
Bởi vậy, việc đầu tư kinh phí để cây xanh phát triển, an toàn là thiết thực. Thu nhập tăng thêm đúng là có tiền, nhưng tất cả không chỉ vì tiền.
Còn riêng với học sinh, khi không gian trường học có cây xanh, có hoa bốn mùa, các em yêu thiên nhiên, cỏ cây, biết giữ gìn thành quả… chắc chắn sẽ sống ngay ngắn, kính trọng thầy cô, thân thiết với bạn bè hơn.
Phần thưởng cho học trò, bên cạnh những món quà quen thuộc, nên kèm theo những giờ lao động chăm sóc cây xanh. Phạt học trò cũng thế, thay cho những “cây gậy” vô cảm là trò được làm cỏ, tưới cây, bắt sâu... Hơn thế, là những sáng kiến và thực hành để sân trường ngày càng xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Khi được hướng đến chân, thiện, mỹ - theo định luật bảo toàn năng lượng - năng lượng tiêu cực sẽ giảm dần và bị triệt tiêu.
Còn với phụ huynh, thay cho những khoản tiền trường “kỳ dị”, hãy vận động họ và các nhà tài trợ, các cơ quan chịu trách nhiệm về cây xanh cho trường. Công và sức đôi bên cùng đầu tư với mục tiêu “Tất cả vì học sinh thân yêu” sẽ cho cái kết tối ưu.
Cũng từ đó, cây xanh làm “mát” suy nghĩ của người quản lý trường học, để xã hội hóa giáo dục đúng hướng.
Trường có cây xanh đẹp, cao mát, an toàn, sắc hoa lung linh cần được khen. Ngược lại, cây xanh bật gốc, èo uột là điểm trừ cho hiệu trưởng.
Sắp vào mùa mưa bão, việc cây xanh bật gốc ở Trường THCS Trần Văn Ơn lại là bài học không của riêng trường này.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chương
Cây xanh bật gốc đè nhiều người trước cổng trường ở TP.HCM
Phượng bật gốc trong sân trường ở Đồng Nai, 3 nữ sinh bị thương
Một cây phượng trong Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã bị bật gốc đè trúng 3 nữ sinh. Sự việc vừa diễn ra trong chiều nay 4/6.
Cây phượng bật gốc: HS lớp 6 không qua khỏi sau 65 phút cấp cứu
- Trưa nay 26/5, học sinh tử vong do cây phượng đổ trong sân Trường THCS Bạch Đằng (Quận 3, TP.HCM) đã được đưa về nhà để lo hậu sự. Mẹ của em vừa mới sinh em bé, nhìn con lần cuối từ trên băng ca cấp cứu.