Trao đổi tại hội nghị chuyển đổi số trong hoạt động của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra ngày 2/4, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện cho biết: Công tác ứng dụng CNTT, chuyển đổi số đã được Học viện quan tâm và tích cực triển khai trong 5 năm qua. Thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực, các mặt hoạt động và quản lý.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng xác định tầm nhìn đến năm 2024 là triển khai 100% hoạt động của Học viện hiện diện hoàn toàn trên môi trường số, kết nối toàn diện đến các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cùng các trường chính trị tỉnh, thành phố đảm bảo hiện đại, hội nhập quốc tế.

W-Hoc vien 1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thông tin về kết quả công tác chuyển đổi số 5 năm qua và định hướng giai đoạn tới của trường. Ảnh: Trần Phú

Cũng theo ông Nguyễn Duy Bắc, một nhiệm vụ cụ thể sẽ được Học viện tập trung trong chặng đường tới chính là đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” để mỗi cán bộ, công chức, viên chức của nhà trường có các kỹ năng, kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng trí thông minh nhân tạo, kỹ thuật, công nghệ mới, từ đó làm giàu hơn bài giảng, hoạt động nghiên cứu khoa học, góp phần vào sự phát triển chung của Học viện và đất nước.

Ở góc độ của đơn vị đào tạo và nghiên cứu hàng đầu cả nước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sự phát triển đột phá trong giai đoạn hiện tại và tương lai của trường. Đại học Bách khoa Hà Nội đặt quyết tâm cao nhất để chuyển đổi số thành công theo định hướng dựa trên trí tuệ nhân tạo, tập trung vào đào tạo trên nền tảng đại học số.

W-ong Thang Dai hoc bach khoa 1 1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng khẳng định: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo là yếu tố đặc biệt quan trọng tạo nên sự phát triển đột phá của Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn hiện tại và tương lai. Ảnh: Trần Phú

Thực tế, những năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã từng bước phát triển hệ sinh thái đại học số eHUST, nền tảng chuyển đổi số toàn diện đại học, phục vụ hơn 42.000 người học và 2.000 giảng viên, nhà khoa học. Hệ sinh thái này giúp Đại học Bách khoa Hà Nội vận hành hiệu quả, thực hiện mô hình tự chủ, là một minh chứng cho quyết tâm chuyển đối số toàn diện trường đại học.

“Trường chúng tôi đang phát triển theo mô hình tổ hợp trung tâm xuất sắc về công nghệ chiến lược gắn với thu hút, phát triển nhân tài và đào tạo sau đại học, nằm trong hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo tài năng của nhà trường. Từ đây sẽ tạo ra những công nghệ lõi, các giải pháp công nghệ có giá trị vượt trội”, ông Huỳnh Quyết Thắng cho hay.

Chia sẻ góc nhìn của doanh nghiệp công nghệ, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò, tầm quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên mới.

Khẳng định tương lai của thế giới đang được định hình bởi trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Văn Khoa phân tích: Nếu như trước đây Internet đã mở ra kỷ nguyên phát triển và kết nối toàn cầu; sắp tới trí tuệ nhân tạo còn tạo ra những thay đổi cuộc sống của chúng ta gấp nhiều lần so với Internet. “Những đột phá lớn trong trí tuệ nhân tạo đang hình thành”, ông Nguyễn Văn Khoa thông tin.

W-CEO FPT Nguyen Van Khoa 1.jpg
Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa 

Nói thêm về xử lý ngôn ngữ lớn, ông Nguyễn Văn Khoa cho rằng, máy hiện nay đã được dạy làm sao để có tư duy, suy nghĩ và lập luận y như con người. Đồng thời, khuyến nghị các cán bộ, nhân viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cùng với đề xuất Học viện xem xét đưa môn chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo vào chương trình giảng dạy, đại diện FPT cũng gợi ý nhà trường cần xây dựng chiến lược về trí tuệ nhân tạo một cách tổng thể và có lộ tình ứng dụng công nghệ mới này cho các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, quản lý quản trị nguồn lực, trên cơ sở cơ chế quản lý giám sát dữ liệu và chuẩn hoá dữ liệu.

Lấy dẫn chứng từ chính tập đoàn mình, đại diện FPT chia sẻ thêm: “FPT đã thực hiện mệnh lệnh bắt đầu chuyển đổi số trong doanh nghiệp, làm việc cùng máy từ 2024. Trước đây là người làm việc với người, còn giờ đây người làm việc với người và cùng với máy. Công nghệ đang thay đổi hoàn toàn phương pháp làm việc, học tập của chúng ta. Trước đây học một lần để làm cả đời, thì giờ chúng ta cần vừa học vừa làm, ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.