Tại một cuộc hội thảo do The New York Times tổ chức vào tuần trước, Jensen Huang đã giải thích sản phẩm của công ty bán dẫn giá trị nhất thế giới được tạo bởi vô số linh kiện, đến từ các nơi khác nhau trên thế giới – không chỉ Đài Loan, nơi sản xuất những bộ phận quan trọng nhất.
Những diễn biến hiện tại cho thấy còn một chặng đường dài phía trước cho mục tiêu quan trọng của chính quyền Biden nhằm đưa ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn trở lại nước Mỹ.
Đến nay, Tổng thống Mỹ đã ủng hộ luật pháp lưỡng đảng để hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất ở nước này.
Nhiều công ty bán dẫn lớn nhất thế giới đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Mỹ bao gồm TSMC - đối tác sản xuất hàng đầu của Nvidia, cũng như Samsung Electronics và Intel.
Song, Mỹ cũng đang đối mặt sự cạnh tranh đến từ các quốc gia châu Âu khi EU có kế hoạch tăng thêm cơ sở sản xuất nội địa, sau nhiều thập kỷ quá trình toàn cầu hoá khiến hoạt động sản xuất phân tán trên khắp thế giới, dẫn đến điểm tắc nghẽn ở các khu vực như Đài Loan và Hàn Quốc.
“Chúng ta còn khoảng từ một đến hai thập kỷ nữa mới có được sự độc lập về chuỗi cung ứng”, Huang nói.
Bên cạnh đó, CEO Nvidia tái khẳng định cam kết với Trung Quốc – vẫn là thị trường chip lớn nhất. Hiện nhà sản xuất bán dẫn không được phép bán những bộ xử lý trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ nhất sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu và sau đó thắt chặt hơn nữa vào tháng trước.
Huang cho biết Nvidia đang nghiên cứu các sản phẩm dành riêng cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà không vi phạm các lệnh hạn chế.
“Chúng tôi phải tạo ra những con chip mới tuân thủ quy định và sau đó, công ty có thể quay trở lại thị trường này”, CEO Nvidia khẳng định. “Công ty luôn cố gắng hợp tác kinh doanh với nhiều đối tác nhất có thể, song vấn đề an ninh quốc gia cũng rất quan trọng”.
Người đứng đầu công ty bán dẫn cũng cảnh báo về những hậu quả không lường trước của những quy định hạn chế xuất khẩu. Ông cho biết có tới 50 công ty ở Trung Quốc hiện đang nghiên cứu công nghệ có thể cạnh tranh với các sản phẩm của Nvidia.
(Theo SCMP)