Ông Bùi Quang Huy, CEO Rikkei Japan cho biết, công ty xác định mục tiêu nâng tầm lĩnh vực xuất khẩu phần mềm khi chất lượng đi kèm với giá trị của các kỹ sư CNTT sẽ được nâng lên trong vòng 10 đến 20 năm tới. |
Diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản lần thứ nhất được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc tế JASSO, thủ đô Tokyo vào ngày 16/11/2019. Với chủ đề "Make in Vietnam - Cơ hội và thách thức", Diễn đàn là nơi kết nối và quy tụ nguồn tri thức dồi dào của các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp từ đó đưa ra những sáng kiến giúp xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt tại Nhật cũng như góp phần vào sự phát triển đất nước. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của cộng đồng trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, với sự tham gia của hơn 500 khách mời là đại diện các cơ quan bộ ngành của Chính phủ Việt Nam, hơn 50 diễn giả là các nhà nghiên cứu và chuyên gia người Việt hàng đầu trong và ngoài Nhật Bản.
Hoạt động từ năm 2016 tại thị trường Nhật Bản, Rikkeisoft hiện là doanh nghiệp CNTT Việt Nam lớn tại đất nước Mặt trời mọc với doanh thu lên đến hàng chục triệu đô mỗi năm. Nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc kết nối nguồn trí lực của cộng đồng các doanh nghiệp Việt tại Nhật Bản trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng nói chung và doanh nghiệp nói riêng, Rikkeisoft tham gia đồng hành tổ chức Diễn đàn Trí thức Việt Nam 2019 với mục tiêu góp phần quy tụ cộng đồng trí thức tại Nhật, cùng thảo luận về những giải pháp, từ chính sách vĩ mô đến các sản phẩm, công nghệ mới có thể áp dụng tại Việt Nam, tạo thành mạng lưới kết nối, quan hệ tương trợ lẫn nhau trên tinh thần cùng nhau tiến bộ, thành công trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Với thế mạnh của một doanh nghiệp CNTT hàng đầu tại Việt Nam, đồng thời đang sở hữu Công ty chuyên về Trí tuệ nhân tạo (Rikkei AI) đã có kinh nghiệm nghiên cứu, triển khai các dự án lớn; tham dự Diễn đàn Trí thức Việt Nam 2019, Rikkei Soft đại diện cho khối doanh nghiệp CNTT thảo luận về tương lai thị trường xuất khẩu phần mềm Việt Nam tại Nhật Bản cũng như xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong bối cảnh nền CNTT Việt Nam hiện nay.
Theo báo cáo nhân sự CNTT của Bộ kinh tế Nhật Bản (METI), tình trạng thiếu hụt nhân lực CNTT tại Nhật ngày càng nghiêm trọng. Nguồn cung nhân lực sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2019, sau đó giảm dần qua các năm. Dự kiến đến năm 2030, Nhật Bản thiếu khoảng 590.000 lao động CNTT. Đây sẽ là cơ hội lớn cho thị trường xuất khẩu phần mềm Việt Nam tại Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh số lượng người Việt sinh sống ở Nhật Bản hiện đang rất đông đảo chỉ đứng thứ ba chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc.
Không đi theo con đường cạnh tranh về giá, Rikkeisoft xác định mục tiêu nâng tầm lĩnh vực xuất khẩu phần mềm Việt Nam khi chất lượng đi kèm với giá trị của các kỹ sư CNTT sẽ được nâng lên trong vòng 10 đến 20 năm tới, đặc biệt không chỉ dừng ở mức độ gia công chế tạo đơn giản mà sẽ có vị trí trong chuỗi phân tích, thiết kế phức tạp hơn, chủ động hơn.
Rikkeisoft hiện là doanh nghiệp CNTT Việt Nam lớn tại đất nước Mặt trời mọc với doanh thu lên đến hàng chục triệu đô mỗi năm. |
Mặt khác, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đặc biệt là các hoạt động sản xuất; mô hình sản xuất tự động tại các nước phát triển rẻ hơn so với sản xuất tập trung bằng nhân công giá rẻ tại các nước đang phát triển. Các ngành xuất khẩu trong đó có xuất khẩu phần mềm của Việt Nam được dự báo ít nhiều bị ảnh hưởng, đặt ra thách thức cho nền kinh tế nước nhà khi hiện tại vẫn đang dựa chính vào xuất khẩu. Do đó việc xác định tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo là yêu cầu cấp thiết và quan trọng trong việc tối ưu chất lượng và nâng tầm lĩnh vực xuất khẩu phần mềm tại Việt Nam.
Tập trung vào phân tích thị trường xuất khẩu phần mềm trong nước, đưa ra các giải pháp về nâng cao giáo trị xuất khẩu công nghệ và đào tạo chuyên môn, Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Rikkei Japan mang đến cho người tham gia cái nhìn rõ nét về vấn đề cũng như đặt ra câu hỏi về định hướng của thị trường xuất khẩu phần mềm Việt Nam trong bối cảnh hiện tại và thời gian sắp tới.