Ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia cho rằng, cần có chính sách xây dựng nền tảng giúp quảng bá các tác phẩm âm nhạc tới toàn bộ người dân. |
VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Công ty Thủ Đô Multimedia, về việc phát triển nhạc số tại Việt Nam hiện nay. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi này:
Việt Nam đã có nhiều cổng âm nhạc như Keeng, hay các trang nhạc trực tuyến như Nhaccuatui, Nhacso, Zing MP3… nhưng chưa thực sự thành công, thậm chí có trang nhạc đã phải đóng cửa. Dưới góc nhìn của ông đâu là nguyên nhân của câu chuyện này?
Việc phải đóng cửa 1 trang nhạc số, nguyên nhân rõ ràng có thể thấy là trang nhạc đó không thể cạnh tranh được. Lý do của không cạnh tranh được thì nhiều, nhưng tôi thấy có 3 điểm lớn, đó là: Không có phương án cung cấp tốt nhất tới khán giả, thứ 2 là chưa có phương án bảo vệ và khuyến khích nhà sáng tạo (bao gồm nhạc sỹ và nhà sản xuất) tạo ra các sản phẩm chất lượng để cung cấp tới người dùng và cuối cùng là chưa đủ dữ liệu để phân tích hành vi của người dùng để từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp.
Những nền tảng âm nhạc xuyên biên giới đang “làm mưa làm gió” tại Việt Nam như YouTube, Facebook, Spotify, Apple Music… Theo ông điều gì đã làm nên sự phát triển mạnh của các nền tảng này tại Việt Nam?
Cần phải cập nhật một chút các con số về các nền tảng xuyên biên giới để chúng ta có được đánh giá vấn đề cho sát và chất lượng. Đó là, Apple Music đạt lợi nhuận 1 tỷ USD mỗi tháng - đứng thứ 2 trong các mặt hàng thuộc hệ sinh thái của Apple, hay Spotify có tổng số 354 triệu người dùng, doanh thu Quý 3/2021 đạt 2,19 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng doanh thu là 18,5% mỗi Quý). Hoặc tổng số người sử dụng YouTube hiện nay đạt trên 2 tỷ người, trong đó có hơn 20% người dùng xem các video ca nhạc. Con số trên cho thấy, các nền tảng âm nhạc xuyên biên giới có tốc độ phát triển khá nhanh, đặc biệt trong giai đoạn khi đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020.
Sang đến năm 2022, xu thế phát triển này cũng chưa dừng lại, phần lớn nguyên nhân bởi người dùng đã quen với các tiện ích mới (ví dụ khi lên xe ô tô là tự động phát bộ sưu tập yêu thích). Để có được thành công này, các nền tảng xuyên biên giới đều hướng đến giải quyết từng phần hoặc toàn phần của 3 vấn đề vừa đề cập ở trên. Ví dụ Apple Music, với lợi thế người dùng iPhone (dù chỉ chiếm 22,85% thị phần) để phát triển hệ sinh thái âm nhạc. Còn YouTube Music thì tập trung giải quyết bài toán bảo vệ bản quyền, thanh toán tác quyền cho các tác giả. Đồng thời có chính sách khuyến khích các sáng tác mới có chất lượng bằng cách trả phí cao hơn và đưa vào chính sách đề xuất để quảng bá đến nhiều người xem hơn.
Thị phần của các nền tảng âm nhạc trên toàn cầu. |
Thủ Đô Multimedia có đưa ra ý tưởng thành lập Cổng Âm nhạc số Quốc gia, tại sao các ông lại đưa ra đề xuất này? Cổng Âm nhạc số Quốc gia sẽ giải được những bài toán gì cho âm nhạc và người nghe nhạc Việt?
Ở khía cạnh của mình, tôi thấy các vấn đề sau: Âm nhạc là 1 trong 7 lĩnh vực quan trọng của đời sống. Âm nhạc gắn liền với vòng đời của con người như vậy, bởi vì âm nhạc luôn luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày, âm nhạc như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì lẽ ấy, chúng ta thấy cần thiết phải có chính sách vĩ mô để xây dựng 1 nền tảng giúp quảng bá các tác phẩm âm nhạc tới toàn bộ người dân nói, nghe ngôn ngữ của cùng 1 quốc gia đó.
Điều cấp thiết nữa có thể nhận ra trong giai đoạn chuyển đổi số, đó là việc các tác phẩm âm nhạc hiện nay đều biến thành các tài sản vô hình, không cầm nắm được, từ đó dẫn đến sự bối rối trong việc quản lý, sắp xếp các tài sản âm nhạc số, khiến nhiều tác phẩm quan trọng mang tầm vóc quốc gia cũng bị nhầm lẫn.
Việc không có hệ thống quản lý tài sản nhạc số thống nhất, khiến nhiều đơn vị cung cấp cả Quốc ca Việt Nam do 1 đơn vị nước ngoài nắm quyền sản xuất trong các sự kiện lớn cũng là việc đã xảy ra. Việt Nam có một kho tàng đồ sộ các tác phẩm âm nhạc nữa cũng cần phải được đánh dấu, quản lý một cách thống nhất.
Ở phần lớn các quốc gia, việc tất cả mọi người sử dụng một ứng dụng để “nghe” một tác phẩm âm nhạc trong vòng 1 vài giây, hệt như người ta quét mã QR để biết thông tin chi tiết một tác phẩm như: Tên bài hát, tác giả, ca sỹ, nhà sản xuất và thời gian sản xuất… đã trở nên không hề xa lạ. Sự ra đời của Cổng Âm nhạc số Quốc gia chính là một yêu cầu cấp thiết để cấp mã (ID) cho từng tác phẩm trước khi xuất bản. Và chính cách làm chặt chẽ và rất cần thiết ấy, giúp tất cả các tài sản số vô hình được định danh và dễ dàng quản lý hơn bao giờ hết.
CEO Thủ Đô Multimedia cho rằng, khi có một Cổng Âm nhạc số Quốc gia, điều thuận lợi đầu tiên đó là sự hiện đại hóa rất nhanh trong đời sống âm nhạc, |
Việc quan trọng nữa cũng cần đề cập đến đó là vấn đề vi phạm bản quyền nhạc số khiến bức tranh tiêu dùng âm nhạc của nước ta ngày càng trở nên nhức nhối. Bản chất của sự vi phạm bản quyền đều dựa trên hai yếu tố là: Qua mặt do sự quản lý lỏng lẻo và trục lợi do lợi ích kinh tế. Nếu Cổng Âm nhạc số Quốc gia ra đời, sẽ khiến việc vi phạm bản quyền trên môi trường số dễ dàng bị phát hiện và triệt tiêu nhanh chóng.
Sứ mệnh to lớn hơn của Cổng Âm nhạc số Quốc gia trong vấn đề này còn trực tiếp góp phần vào việc thúc đẩy việc phát triển âm nhạc trong thời kỳ công nghệ, bởi có bảo vệ được thì mới bảo đảm được quyền lợi của các nhà sản xuất, khuyến khích họ đầu tư để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo được chi trả tác quyền cho các nhạc sỹ để họ có thể sống được với nghề và cống hiến các tác phẩm hay, tác phẩm lớn cho xã hội.
Khi chúng ta có một Cổng Âm nhạc số Quốc gia, điều thuận lợi đầu tiên đó là sự hiện đại hóa rất nhanh trong đời sống âm nhạc, bởi tất cả các mắt xích trong toàn bộ quá trình từ sáng tác đến phân phối hiện nay đều có thể thực hiện trên môi trường số.
Và cuối cùng, sự ra đời của một Cổng Âm nhạc Quốc gia còn thực hiện luôn được vai trò của hệ thống phát hành sách nói và Podcast (việc này cũng đã được tất cả các nền tảng xuyên biên giới tích hợp), nơi mà các ấn phẩm này đang thể hiện được tính ưu việt trong thời đại số.
Dưới góc nhìn của ông Cổng Âm nhạc số Quốc gia liệu có cạnh tranh được với các nền tảng xuyên biên giới, giành lại thị trường trên chính "sân nhà" của mình hay không?
Thời đại công nghệ, khiến cho tất cả các quốc gia chuẩn bị đủ được tiềm lực về chuyển đổi số đều có cơ hội cạnh tranh toàn cầu, trong lĩnh vực âm nhạc cũng vậy. Do đó, với đặc thù dân số trẻ và tiếp cận rất nhanh với công nghệ, tôi tin Việt Nam không có lý do gì để phải thua ngay trên sân nhà.
Hãy nhìn sang Spotify, họ hoàn toàn không có các lợi về thiết bị (như iPhone của Apple Music, hay YouTube Music với 2 tỷ người dùng Youtube) nhưng họ trở thành Cổng âm nhạc lớn nhất trên thế giới nhờ kích thích được năng lực sản xuất nội dung của các nhà sản xuất và cam kết bảo vệ nội dung khi phân phối trên Spotify.
Trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc, các công ty trên trở thành các công ty hàng đầu thế giới, có tác phẩm cung cấp rất mạnh mẽ cho các nền tảng nghe nhạc trực tuyến hiện nay. Các dẫn chứng trên để cho chúng ta thấy các tập đoàn lớn trên thế giới đều nhìn nhận thấy dư địa rộng rãi về phân phối toàn cầu trong giai đoạn công nghệ phát triển và tiềm năng to lớn sáng tạo của lĩnh vực âm nhạc.
Số liệu về doanh thu, thị phần và tốc độ tăng trưởng của âm nhạc trực tuyến trên toàn cầu. |
Từ các phân tích trên, về phương diện của 1 quốc gia, cụ thể là Việt Nam, chúng ta thấy lợi thế của chúng ta đó là gần 100 triệu người dân đang sử dụng các dịch vụ của chính chúng ta đang cung cấp. Lợi thế lớn nhất đó là các nhà mạng viễn thông di động, chúng ta có lợi thế còn lớn hơn cả các nhà sản xuất điện thoại, bởi người dùng thường thay điện thoại chứ ít khi thay thế số điện thoại của mình. Chúng ta có hệ thống phát thanh, truyền hình phủ sóng cả nước và thói quen xem, nghe của người dân đủ lớn (tổng thời gian xem truyền hình trên Internet và TV truyền thống đạt hơn 2,54 giờ mỗi ngày).
Và điều cuối cùng, tất cả mọi nền tảng đều phải xuất phát từ điểm bắt buộc phải xây dựng từ viên gạch đầu tiên, nếu chúng ta không quan tâm đến thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có được một thành tựu nào cả.
Một điều rõ ràng nữa là nữa là người nghe nhạc hiện nay thường dành nhiều thời gian để nghe cá nhân (nghe một mình), họ sẽ tìm đến các ứng dụng có được các tác phẩm hấp dẫn, hiểu được xu hướng của họ; sau đó, họ sẽ cần nền tảng có thể cung cấp được đầy đủ các tiện ích (nghe bất cứ nơi đâu, trên phương tiện hay thiết bị mà họ đang có). Do vậy, để các tiềm lực về tiếp cận khách hàng đang có không bị bỏ phí, chúng ta cần xây dựng chiến lược để có một Cổng Âm nhạc số Quốc gia nhằm hội tụ các nguồn lực đang tản mạn trong chuỗi cung cấp tác phẩm âm nhạc, hình thành các cơ chế khuyến khích, kích thích sự sáng tạo, đặc biệt là giới sáng tác, hoàn thiện các giải pháp bảo vệ tác phẩm, bảo vệ sản xuất để nuôi dưỡng sự phát triển lâu dài của nền âm nhạc nước nhà trong giai đoạn chuyển đổi số.
Cảm ơn ông!
Thái Khang (Thực hiện)
Ra mắt hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến Make in Vietnam
Hệ sinh thái bản quyền âm nhạc trực tuyến MCM sử dụng 2 công nghệ bảo vệ và đánh dấu bản quyền nhằm giải quyết “nỗi đau” tác quyền trên môi trường số, khi mỗi ngày có hàng triệu bản nhạc trôi nổi, không được bảo vệ.