Con mất tích bí ẩn
Khoảng 5h chiều ngày 19/3/2003, ông La Tứ Thanh đến trường mẫu giáo để đón con là La Siêu Phàm, nhưng được thông báo bé đã có người đón.
Thời điểm đó, gia đình ông La bận kinh doanh nên gửi con ở nhà trẻ cả tuần, chỉ đón về vào Chủ nhật.
Theo lời giáo viên, một người đàn ông gọi điện đến trường và nói gia đình tổ chức sinh nhật cho bà ngoại của Siêu Phàm nên cử người đến đón thay. Cô giáo không nghi ngờ gì đã giao bé cho người đó. Người đến đón thực ra chỉ là xe ôm được một người đàn ông khác thuê.
Ông La báo cảnh sát về sự việc con trai bị bắt cóc. Chỉ 1 ngày sau, cảnh sát tìm thấy người lái xe ôm.
Theo mô tả, nghi phạm ngoài 30 tuổi, cao 1,6m, mặt tròn. Tuy nhiên, năm đó chưa có camera nên việc tìm kiếm không khác gì "mò kim đáy bể". Suốt 1 năm chờ đợi công tác điều tra, gia đình rơi vào vô vọng.
La Tứ Thanh mải đi theo những cuộc tìm kiếm nên công việc kinh doanh xuống dốc. Cuối cùng, ông phải bán lại cửa hàng với giá rẻ.
Để tìm được con trai, La Tứ Thanh và gia đình trải qua nhiều gian nan. Có những ngày đông giá rét tuyết rơi, ông ăn vội cốc mỳ nóng rồi lại đi hỏi khắp nơi mà không có kết quả.
Suốt 19 năm qua, dù đi đâu, ông La và vợ đều cố gắng phát các tờ rơi có thông tin về con với hy vọng mong manh.
Xin làm bảo vệ để tìm con
Từ Hồ Nam, vợ chồng ông đã đi qua nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc. Năm 2005, ông đến Hàng Châu (Chiết Giang) để tìm việc làm lo cho gia đình.
"Tôi đến Chiết Giang cũng vì muốn tìm con. Những phụ huynh cùng cảnh nói với tôi, công an tỉnh Chiết Giang rất giỏi tìm trẻ em bị bắt cóc. Tôi đoán ở đây có thể có manh mối nên xin làm nhân viên bảo vệ để tìm con", ông La nói.
Trong thời gian ở Hàng Châu, ông còn đến Thượng Hải và nhiều địa phương khác để hỏi manh mối về con. Biết hoàn cảnh của ông, các tình nguyện viên khắp Trung Quốc cũng liên hệ, hỗ trợ để chung tay tìm kiếm.
Nhiều năm qua, ông sống trong một căn phòng tuềnh toàng hơn 10m2 gần công ty. Trong phòng, ngoài các đồ nhu yếu phẩm còn có tranh, ảnh thông tin, áo phông, các thẻ bằng giấy và những chai nước có in thông tin về đứa con trai mất tích 19 năm qua.
Vợ ông luôn đồng hành cùng chồng. Bà đến những nơi đông người để phát tờ rơi, học cách "chat" qua mạng, vào các hội nhóm hay phát sóng trực tiếp trên mạng để thu hút người xem.
Từ ngày con mất, không chỉ La Tứ Thanh đau buồn mà vợ ông cũng bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề. Do suy nghĩ quá nhiều nên những cơn đau đầu dữ dội liên tục hành hạ bà. Vất vả là vậy nhưng ông và vợ luôn vững vàng và tràn ngập hy vọng tìm được con.
"Sau khi tới Chiết Giang, mẫu máu của vợ chồng tôi đã được lấy. Bây giờ công nghệ hiện đại rồi, hy vọng gia đình sẽ sớm được đoàn tụ", ông La bày tỏ.
Chưa tìm thấy con nhưng La Tứ Thanh luôn nghĩ về giây phút đoàn tụ. Ông xác định chỉ cần gặp lại con, ngay cả khi con không đồng ý về sống với bố mẹ, ông cũng chấp nhận.
"Con trai, nếu con có thể nhìn thấy cha, hãy đến cơ quan công an để lấy mẫu máu, so sánh ADN để sớm đoàn tụ. Cha mẹ luôn đi tìm con", ông La gửi lời tới con qua phỏng vấn.
Trải qua biết bao sương gió đi tìm con, trên gương mặt của người cha vất vả này luôn có nụ cười giản dị, ánh mắt kiên định và niềm tin vào một ngày đoàn tụ không xa.
Theo 163