Theo báo cáo nghiên cứu của các hãng bảo mật, giai đoạn trước năm 2019 Việt Nam có khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; và khoảng 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng botnet lớn. Năm 2019, dù số lượng địa chỉ IP nằm trong mạng botnet đã giảm mạnh, song với hơn 1 triệu địa chỉ, Việt Nam vẫn bị xếp thứ 3 trong Top 10 nước bị kiểm soát bởi bonet, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.
Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, mỗi máy tính, thiết bị khi nhiễm mã độc là nguồn tiếp tục lây nhiễm virus, mã độc cho các máy tính khác. Phần lớn số lượng địa chỉ IP nằm trong các mạng botnet hiện nay không chỉ thuộc hệ thống mạng, thiết bị tại các hộ gia đình mà còn trong cả khối doanh nghiệp.
Bên cạnh tình trạng các thiết bị kết nối mạng của Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma đã diễn ra từ lâu, thời gian gần đây, đã ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng bắt nguồn từ việc các website, máy chủ, địa chỉ IP của Việt Nam tham gia vào hạ tầng điều khiển các mạng máy tính ma và phát tán mã độc. “Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên không gian mạng mà còn ảnh hưởng đến hoạt động chuyển đổi số quốc gia”, đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.
Hướng tới mục tiêu dài hạn là đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong 3 năm qua, Bộ TT&TT đã phát động các chiến dịch rà soát, bóc gỡ và “quét sạch” mã độc trên không gian mạng Việt Nam.
Trong thông tin mới chia sẻ, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa cho biết, với nỗ lực và sự chung tay của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng, năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp số lượng địa chỉ IP botnet của Việt Nam đã giảm. Đến nay, số lượng địa chỉ IP botnet trung bình hằng tháng của Việt Nam đã giảm xuống dưới 500.000 địa chỉ, cụ thể là hơn 479.000 địa chỉ.
“Đây là một kết quả rất là tích cực. Thời gian qua, đặc biệt là trong 3 năm gần đây, Bộ TT&TT đã chủ trì phát động chiến dịch bóc gỡ mã độc trên không gian mạng hàng năm với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước”, đại diện Cục An toàn thông tin nhận định.
Với riêng “Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng” năm 2022, được Bộ TT&TT phát động từ giữa tháng 9 nhằm hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, chiến dịch đã được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, với các phần mềm phòng chống mã độc đã được cập nhật, cho phép sử dụng miễn phí trên Cổng thông tin không gian mạng quốc gia tại địa chỉ khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022.
Đáng chú ý, ngoài việc tiếp tục được Bộ TT&TT phát động trên toàn quốc, chiến dịch lần này có 1 điểm mới, đó là để phát huy hiệu quả cao nhất, cơ quan chủ trì tổ chức đã xác định phải tìm và xử lý tận gốc của vấn đề - xử lý gốc rễ của các trang web phát tán các phần mềm độc hại.
Kết quả, Bộ TT&TT và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã xử lý 76 website phát tán mã độc, đồng thời chặn kết nối đến 915 địa chỉ máy chủ điều khiển các mạng botnet tại Việt Nam.
Cũng nhằm hình thành một không gian mạng Việt Nam an toàn, bảo vệ người dân khi tham gia hoạt động trên môi trường số, thời gian qua, Bộ TT&TT đã cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn hàng ngàn trang web giả mạo, lừa đảo trực tuyến.
Với mong muốn giải quyết tận gốc vấn đề, giúp cho đông đảo người dân có thể chủ động bảo vệ mình trên không gian mạng, Bộ TT&TT vừa chủ trì phát động thành lập Liên minh Tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng.
“Liên minh cần tổ chức những chiến dịch tuyên truyền ngắn hạn và dài hạn để nâng cao nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin cho các tổ chức, người dân. Làm sao để đạt kết quả tốt như Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng đã được Bộ phát động triển khai trong 3 năm qua”, đại diện Bộ TT&TT nêu yêu cầu với Liên minh.