Quy mô nền kinh tế của đất nước không ngừng được mở rộng. Năm 2023 GDP đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người tăng lên mức khoảng 4.300 USD, tức gấp hơn 43 lần so với những năm 1990.
Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chúng ta đã đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao (khoảng 7.500 USD) vào năm 2030.
Từ một quốc gia bị cô lập, cấm vận, Việt Nam nay xuất khẩu đi hơn 200 quốc gia và nền kinh tế trên toàn cầu.
Còn nhớ, năm 2008, khi Việt Nam đặt chân vào ngưỡng cửa các nền kinh tế có thu nhập trung bình, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra cảnh báo sốc là Việt Nam sẽ còn lâu mới theo kịp được các quốc gia láng giềng.
Định chế này tính toán, mất 51 năm để thu nhập bình quân của người dân Việt Nam theo kịp Indonesia, 95 năm để theo kịp Thái Lan và 158 để theo kịp Singapore.
Theo cách tính khác, Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam sẽ mất 15 năm để theo kịp Indonesia, 22 năm để bằng Thái Lan và 63 năm với Singapore.
Dù nhấn mạnh rằng, việc dự báo là “giả thuyết, khó khăn, mạo hiểm và nhạy cảm” nhưng tính toán của định chế này đã gây sốc. Đương nhiên, cảnh báo đó cũng rất hữu ích để Việt Nam thay đổi, tăng tốc phát triển.
Nhắc lại chuyện trên để thấy, nền kinh tế ngày nay, sau 15 năm kể từ dự báo đó, đã có những bước đi ngoạn mục thế nào.
Thành quả của Đổi mới, đưa nền kinh tế từ mô hình một thành phần thành đa thành phần, nơi người dân được tự do kinh doanh, buôn bán, là rất rõ ràng và đúng đắn.
Con đường đã lựa chọn theo hướng văn minh, hội nhập và hiện đại đó chắc chắn không thể đảo ngược để đi đến thịnh vượng và bắt kịp với các quốc gia.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực, nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung Kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và Chiến lược 10 năm (khoảng 7%).
Hơn nữa, GDP bình quân đầu người gần 4.300 USD vẫn còn cách khá xa mục tiêu đạt khoảng 4.700-5.000 USD đến năm 2025. Đạt mục tiêu tăng trưởng 5 năm là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
GDP đầu người của Việt Nam, theo IMF, vẫn ở hàng dưới của thế giới và còn thua sau top đầu của ASEAN.
Tụt hậu, nguy cơ lớn nhất từng được chỉ ra từ năm 1991 và được làm rõ hơn qua nhiều kỳ Đại hội, vẫn đang là thách thức lớn. Bẫy thu nhập trung bình, thách thức già hóa dân số và khả năng không tận dụng được hết thời cơ dân số vàng là hiện hữu.
Bên cạnh đó, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu đặt ra của xu hướng phát triển toàn cầu và phát triển đất nước. Xin nhắc lại, Việt Nam đã bỏ lỡ mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại năm 2020.
Các yếu tố nền tảng về thể chế, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ… còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra.
Chênh lệch năng suất lao động so với các nước trong khu vực và thế giới còn lớn. Các chuyên gia thống kê tính toán, tính theo PPP 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia và bằng 94,5% của Philippines; tương đương mức năng suất lao động của Lào (20 nghìn USD).
So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, năng suất lao động của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc. Điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.
Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn vẫn chậm phát triển so với yêu cầu đặt ra.
Mục tiêu đến năm 2025 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại cũng rất thách thức nếu không có sự đột phá, đổi mới trong việc thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030.
Đó là chưa kể, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều yếu tố bất định, khó lường luôn có tác động nhanh, trực tiếp đến nước ta. Bối cảnh kinh tế-chính trị thế giới và Việt Nam sau đại dịch Covid-19 cũng đã có nhiều thay đổi.
Với mức thu nhập bình quân đầu người gần 4.300 USD, Việt Nam đã đặt một chân vào ngưỡng đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao (từ 4.046 USD đến 12.535 USD theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới).
Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, nhiều bất ổn kinh tế xuất hiện mang tính cơ cấu khó chữa trị dứt điểm, trong khi phải đối mặt với nhiều vấn đề về giá hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên... Hệ quả là, chỉ rất ít các quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Nỗ lực cải cách, phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1986 tới nay đã đưa Việt Nam từ quốc gia kém phát triển thành quốc gia có quy mô GDP nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá các thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm thu nhập trung bình cao. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều bất ổn sau đại dịch Covid-19, lạm phát cao ở nhiều quốc gia và xung đột giữa các khu vực đe dọa sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Lan Anh