Đứa trẻ bị bỏ rơi
Một ngày mùa đông năm 1991, tại ngôi làng nhỏ ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc, tuyết phủ trắng xóa các ngả đường. Đinh Kim Hoàn đang ngồi tán ngẫu với những người hàng xóm thì nghe tin dưới núi có một bé trai bị người ta bỏ lại bên đống rác. Đinh Kim Hoàn vội theo đám người đến xem.
Từ xa, ông thấy rất nhiều người vây quanh đứa trẻ nhưng không ai trong số họ đón đứa bé lên. Thấy vậy, Đinh Kim Hoàn quyết định bước tới và ôm đứa trẻ vào lòng.
Thấy đứa trẻ bị sốt, ông đưa đến bác sĩ làng. Lúc này, vị bác sĩ phát hiện đứa bé còn có một cái đuôi nên đề nghị Đinh Kim Hoàn đưa con đến viện lớn kiểm tra.
Nghe bệnh tình của đứa trẻ, người làng khuyên Đinh Kim Hoàn không nên giữ lại để tránh rắc rối. Tuy nhiên, người đàn ông tốt bụng không đành lòng. Ông quyết định bán toàn bộ gia súc và đưa đứa trẻ đến viện kiểm tra.
Sau khi thăm khám, bác sĩ cho biết đứa trẻ bị sốt là do nhiễm lạnh, còn phần đuôi nhỏ ở mông là do bé bị nứt đốt sống bẩm sinh.“Cái đuôi rất dễ xử lý, chỉ cần gây tê và cắt bỏ. Riêng bệnh nứt đốt sống thì có di chứng, tạm thời không có cách nào chữa trị”.
Đinh Kim Hoàn ôm lấy đứa trẻ, lòng trào dâng niềm thương cảm. Ông đưa đứa trẻ về nhà, đặt tên cho con là Đinh Trác Thành và quyết định ở vậy để chăm sóc đứa trẻ tội nghiệp này.
Nỗ lực vượt khó
Một trong những di chứng của tật nứt đốt sống bẩm sinh là đôi chân kém phát triển. Vì thế, lên 3 tuổi, Đinh Trác Thành vẫn chưa thể đi được bằng chân. Việc di chuyển phải nhờ vào tấm lưng cha.
Một ngày, Đinh Trác Thành nhận ra rằng, bản thân không thể dựa dẫm vào cha mãi. Anh quyết định tập đi bằng đôi tay của mình.
Từ đó về sau, bất kể mưa gió, đường trơn trượt hay đường núi tuyết phủ lạnh đến thấu xương, Đinh Trác Thành đều dùng đôi tay của mình chống đỡ xuống mặt đất, tiến lên từng bước.
Năm 16 tuổi, vì cảm thấy cha quá vất vả, Đinh Trác Thành quyết định ra ngoài kiếm tiền. Đầu tiên anh đi học sửa chữa điện thoại di động và các thiết bị điện nhưng khi làm việc thực tế, anh thậm chí không thể di chuyển được chiếc tivi nên phải từ bỏ.
Về nhà, Đinh Trác Thành vay tiền mua 10 con cừu nhưng vì không có kiến thức chăn nuôi nên đàn cừu liên tục chết.
Đinh Trác Thành buồn đến phát khóc. Mặc dù được bố động viên nhưng anh vẫn cảm thấy mình thật sự vô dụng, không thể làm được bất cứ việc gì.
Năm 2017, Đinh Trác Thành nghe bạn nói rằng chỉ cần đi ăn xin, những người tàn tật như anh sẽ không bao giờ phải lo miếng cơm, manh áo.
Anh suy nghĩ hồi lâu rồi hỏi ý kiến cha. Nhưng người cha kiên quyết phản đối. Ông nói rằng, mọi người có thể giúp đỡ trong một thời gian, nhưng không phải là mãi mãi. “Làm người, tốt nhất là nên dựa vào chính mình”.
Đinh Trác Thành nghe theo lời cha, không đi ăn xin mà tìm hướng kinh doanh mới. Lần này anh quyết định nuôi gà bán kiếm lời.
Lứa gà đầu tiên anh nuôi suốt nửa năm nhưng không lớn nhiều, tỷ lệ sống cũng không cao. Tuy nhiên, Đinh Trác Thành không nản lòng. Anh tự mày mò học kỹ thuật chăn nuôi. Anh cũng tìm kiếm sự giúp đỡ từ mọi người thông qua mạng xã hội.
Được sự giúp đỡ của những người có tấm lòng hảo tâm, Đinh Trác Thành dần thuần thục các kỹ năng. Anh ăn ngủ bên đàn gà suốt mấy tháng trời. Sau cùng, ông trời cũng đền đáp, giúp anh gây dựng được đàn gà hàng nghìn con.
Khi đàn gà đã phát triển tốt, Đinh Trác Thành bắt đầu mở rộng quy mô, đưa vịt, cừu, nghé vào nuôi. Đàn gà, vịt sau đó còn đẻ rất nhiều trứng.
Đinh Trác Thành đăng video lên mạng để bán các sản phẩm nông nghiệp do chính mình làm ra. Mỗi ngày, riêng tiền bán trứng gà, vịt, anh có thu nhập 400-600 tệ.
Sau khi kiếm được tiền, được sự giúp đỡ của chính quyền và những người tốt bụng, anh đã xây được một ngôi nhà mới và cùng người cha 60 tuổi dọn ra khỏi căn nhà dột nát ban đầu.
"Tôi là một người có số phận kém may mắn, ngay cả việc đi lại cũng rất khó khăn. Nhưng chỉ cần tôi còn sống một ngày, tôi sẽ chăm chỉ làm việc để cha có được chỗ dựa vững chắc, sống hạnh phúc suốt 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông”, Đinh Trác Thành nói.
Theo QQ