Vươn lên sau tai nạn bất ngờ, Lương Phi trở thành niềm cảm hứng của những người khuyết tật. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Nỗ lực vượt qua nghịch cảnh
Ra thủ đô nhận bằng khen, Lương Phi (SN 1990, ngụ huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) thích thú với không khí khác xa quê nhà. Tranh thủ chút thời gian rảnh, Phi kể với chúng tôi hành trình từ một cậu bé tật nguyền trở thành thanh niên được tuyên dương trong chương trình Thanh Niên tỏa sáng nghị lực Việt do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.
Phi nói, năm 3 tuổi, cậu gặp một tai nạn kinh hoàng. Đến bây giờ, khoảnh khắc mất đi chân trái vẫn ám ảnh Phi. “Năm đó, 3 mẹ con tôi bị một người đàn ông tâm thần cầm dao xông vào nhà chém loạn xạ. Ông ấy chém vào đỉnh đầu mẹ, chân chị gái tôi. Riêng tôi bị ông ấy chém đứt lìa chân trái”, Phi kể.
Lên 3 tuổi, Phi bị một người tâm thần chém đứt lìa chân trái. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Mất một chân từ lúc còn quá nhỏ, Phi chưa ý thức được những nỗi đau mình phải đối diện. Mãi đến lúc lên 6 tuổi, cậu mới dần cảm nhận được việc mình “thiếu đi một cái chân”. Thế rồi nỗi buồn tật nguyền lớn dần theo năm tháng.
Phi kể: “Lúc còn bé, thấy bạn bè chạy thả diều, đá bóng, trèo cây… bằng hai chân, tôi thèm lắm nhưng chỉ biết đứng buồn một mình. Rồi đến khi đi học, nỗi buồn càng lớn hơn. Các bạn trong trường trêu chọc tôi, gọi tôi là “thằng què”, “thằng cụt”... Những lúc như vậy, tôi thực sự mặc cảm”.
Đau đớn trước những lời châm chọc của bạn bè, Phi tự ti, mặc cảm. Cậu trở nên lầm lì, ít nói và hầu như không giao tiếp với mọi người xung quanh. Đến khi lên cấp 3, Phi muốn nghỉ học.
Tai nạn ấy vẫn ám ảnh Phi cho đến bây giờ. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đáng sợ, Phi lại rùng mình. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Càng nhận thức được bản thân, hoàn cảnh gia đình, Phi càng đau khổ. Chàng trai mới lớn đứng trước cửa ngõ cuộc đời với chất chồng khó khăn: gia đình nghèo khó, đông anh em, bản thân lại tật nguyền. Phi tâm sự, lúc nhỏ, gia đình chủ yếu sống nhờ vào đồng lương phụ hồ của ba.
Sau lần gặp nạn, mẹ Phi yếu hẳn, phải uống thuốc thường xuyên. Không thể lao động nặng, bà chỉ quẩn quanh việc bếp núc. Phi là con kế út, anh chị đang trong tuổi ăn học nên gia đình đã khó lại càng thắt ngặt hơn.
“Gia đình tôi lúc đó khó khăn lắm, thuộc hộ nghèo. Những năm đó, bữa cơm trong nhà đủ no là mừng lắm rồi. Vào những ngày giỗ, chạp, thi thoảng, chúng tôi mới được ăn miếng thịt, miếng cá. Thấy vậy, tôi không muốn trở thành gánh nặng của ba mẹ, tôi định nghỉ học luôn để phụ giúp gia đình”, Phi kể.
Sau khi không trụ được với việc mở phòng thu âm, Phi trở thành một YouTuber. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Thế nhưng, Phi lại băn khoăn tự hỏi: “Nếu nghỉ học lúc này, chưa tích lũy được kiến thức, tương lai của mình và gia đình mình sẽ ra sao”. Thế rồi, Phi quyết định đi tiếp con đường học vấn.
Phi nói: “Cuối cùng, tôi nghĩ rằng, mình phải tự lo được cho cuộc sống của mình, phải chia sẻ gánh nặng cho gia đình. Để làm được như thế, tôi phải tiếp tục học, phải nỗ lực gấp mười lần người khác và quyết chí thực hiện”.
Biến mạng xã hội thành công cụ giúp người nghèo
Với ý chí phi thường, Phi dần chấp nhận khiếm khuyết của bản thân. Chàng trai trẻ cố gắng tự mình thực hiện mọi hoạt động sinh hoạt trong cuộc sống. Chỉ những công việc bắt buộc cần có đủ 2 chân, Phi mới gặp khó và nhờ sự hỗ trợ.
Phi tìm đến các hoàn cảnh khó khăn ghi hình để kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, giúp đỡ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Vượt qua nhiều rào cản vô hình, Phi tốt nghiệp lớp 12 và chọn học hệ Trung cấp khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Đông Á tại TP.Đà Nẵng. Ra trường, Phi cầm hồ sơ đi xin việc với hy vọng tự nuôi sống bản thân.
Phi tâm sự: "Không ai nhận tôi. Một trong những lý do họ từ chối tôi là vì tôi chỉ có một chân. Lúc đó tôi lại càng bế tắc, chán nản. May mà sau đó, tôi được một người thầy giúp đỡ mở phòng thu âm”.
Sau 5 năm mở phòng thu, vấp phải nhiều khó khăn, 9X không trụ được với nghề. Sau cùng, cậu lên mạng tìm hiểu và quyết định đầu tư mở kênh YouTube để thỏa mãn nhiều ước muốn của mình.
Phi nói: “Đó là quyết định mang tính bước ngoặc. Bởi, tôi vừa muốn khám phá, muốn thay đổi bản thân. Tôi muốn bước ra khỏi sự mặc cảm, tự ti bấy lâu của mình”.
Lương Phi trong một lần đến giúp đỡ cụ bà neo đơn, hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Đó cũng là lần đầu tiên, Phi đăng lên mạng xã hội tấm ảnh chụp lại con người thật của mình. Đó là “Phi một chân”, không mang tất, đeo chân giả. Năm đầu làm YouTube, Phi một mình nhảy lò cò chỉnh máy, đổi góc quay để video sinh động.
Thế mà một năm lăn lộn, Phi “không kiếm được đồng nào”. Giữa lúc chán nản, muốn từ bỏ công việc mới, chàng trai trẻ chợt nhận ra xung quanh có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cậu muốn giới thiệu họ đến với các mạnh thường quân để họ được giúp đỡ.
Cứ thế, những video Phi ghi lại hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã của người dân chiếm được cảm tình của khán giả. Dần dần, mạnh thường quân liên hệ với Phi để được giúp đỡ, hỗ trợ những mảnh đời trong clip của cậu.
Không chỉ giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh ở địa phương, Phi còn đến nhiều tỉnh, thành khác để hỗ trợ, giúp đỡ bà con nghèo khó. (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Đến nay, kênh YouTube của Phi đã kêu gọi, giúp đỡ được gần 100 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trường hợp đã nhận được số tiền giúp đỡ lớn như: Cô Điệp (ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nhận 270 triệu đồng, chị Thủy (ở tỉnh Quảng Bình) nhận 170 triệu đồng, anh Đỗ Ánh (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) 70 triệu đồng…
Phi kể: “Khi đi quay như vậy, tôi cũng có nhiều kỷ niệm vui, buồn. Một trong những kỷ niệm tôi nhớ nhất là lần giúp chị Thủy về quê gặp mặt cha mẹ lần cuối. Chị ấy quê ở tỉnh Quảng Bình nhưng sống ở Quảng Nam. Lúc tôi biết đến chị, chị đã ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư”.
“Chị có 4 đứa con nhưng bị chồng bỏ rơi, gia cảnh khó khăn lắm. Trước khi ra đi vì bệnh tật, chị ấy muốn về thăm, gặp mặt ba mẹ lần cuối mà không đủ tiền. Tôi đã đến quay phim, giới thiệu chị và nhờ mạnh thường quân giúp đỡ. Cuối cùng, chị đã có tiền về quê”, Phi kể thêm.
9X Sài Gòn khởi nghiệp thành công với chiếc 'túi biết thở'
Câu chuyện về hàng nông sản bị hư hỏng nhiều trong quá trình xuất khẩu đã khiến cô gái sinh năm 1991 tạo ra chiếc "túi biết thở”, giúp bảo quản thực phẩm tốt hơn.
Nguyễn Sơn