Với thủ đoạn tinh vi, đa dạng, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng đồng qua nhiều vụ việc. Mặc dù cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, tuy nhiên, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm xử lý, nhiều người vẫn sập bẫy. Vào thời điểm cuối năm, loại tội phạm này có xu hướng gia tăng, Bộ Công an đã phát đi nhiều cảnh báo để giúp người dân phòng tránh.
Mồi nhử "hoa hồng cao"
Bộ Công an cho biết, hiện nay tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên online diễn biến phức tạp, nhiều nạn nhân đã sập bẫy.
Theo Bộ Công an, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok...), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng.
Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả.
Trường hợp chị T.T.H.T. (32 tuổi, trú tại huyện Đồng Phú, Bình Phước) là điển hình với hình thức lừa đảo nêu trên. Trong thời gian ngắn, chị T. bị lừa đảo số tiền hơn 4,2 tỷ đồng.
Cụ thể, thông qua mạng xã hội, chị T. được một người tự xưng là nhân viên của sàn thương mại điện tử Shopee tư vấn, mời tham gia cộng tác viên bán hàng online.
Làm theo hướng dẫn của người tự xưng là nhân viên tư vấn, chị T. thực hiện 3 giao dịch chuyển tiền cho 3 đơn hàng với số tiền lần lượt là 300 nghìn, 300 nghìn và 10 triệu đồng.
Sau mỗi đơn hàng giao dịch thành công, chị T. được hệ thống chuyển lại số tiền tương ứng 380 nghìn, 345 nghìn và 12 triệu đồng. Thấy có lợi, liên tục từ ngày 18 đến 20/7/2022, chị T. thực hiện thêm nhiều giao dịch với tổng số tiền chuyển đi là hơn 4,2 tỷ đồng nhưng không thấy hệ thống chuyển tiền lại như các lần trước.
Phần mềm luôn thông báo nhiều lý do và yêu cầu chị T. chuyển thêm 2 tỷ đồng để nâng cấp lên gói “cộng tác viên VIP”. Lúc này chị T mới nhận ra mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Nhận diện thủ đoạn
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cho biết, thời gian cuối năm đơn vị nhận được nhiều phản ánh về việc các đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội để tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo phản ánh, sau khi trao đổi và người có nhu cầu tìm việc làm liên hệ, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn cộng tác viên thực hiện đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Đặc biệt, các đối tượng lừa đảo yêu cầu cộng tác viên phải có tài khoản ngân hàng để thanh toán đơn hàng trước, với hứa hẹn sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.
Ban đầu, đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân đường link sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… có giá trị từ vài trăm nghìn, vài triệu đồng cho tới vài chục triệu đồng và yêu cầu cộng tác viên thực hiện các bước gồm: Xác thực đơn hàng, chuyển tiền vào tài khoản công ty. Ở những nhiệm vụ đầu tiên, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng.
Cứ như vậy, quá trình trên tiếp diễn cho đến khi cộng tác viên làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao (vài chục triệu đồng) và không còn khả năng chuyển tiền. Lúc này, đối tượng lừa đảo lấy lý do công ty đang bảo trì hệ thống hoặc các lý do khác để từ chối không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng cho cộng tác viên, đồng thời yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Cộng tác viên tiếp tục được hứa hẹn sẽ nhận tiền gốc và hoa hồng hoặc bị chặn đầu mối liên hệ, khi đó nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên khi phát hiện trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.
Hà An