Thông tin từ Bộ TT&TT cho hay, hiện các thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu - phát triển đã được sản xuất và lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ mạng cho người dân sử dụng ở một số khu vực. Các thiết bị này có đủ ở các phân lớp hệ thống mạng 5G (mạng lõi, mạng truyền dẫn, mạng truy cập). Hiện các thiết bị đã được triển khai lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ ở một số khu vực diện rộng với tốc độ download 1,5 Gbps, upload 60 Mbps.
Chất lượng dịch vụ mạng 5G cung cấp bởi các thiết bị được nghiên cứu sản xuất trong nước tương đương với sản phẩm nước ngoài ở một số chỉ tiêu cơ bản dịch vụ viễn thông như tốc độ download và upload. Hiện Viettel đang tiếp tục nghiên cứu - phát triển thêm các tính năng thông minh, đa dạng hóa dải sản phẩm để phù hợp với bài toán đầu tư của các nhà mạng.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ thương mại hóa mạng 5G trong năm 2023 bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất, qua đó sẽ nâng cao năng lực tự chủ và phát triển công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp thiết bị nước ngoài và góp phần bảo đảm an toàn, an ninh quốc gia. Lộ trình tháng 12/2022 thử nghiệm ở quy mô cấp tỉnh (300 trạm BTS 5G), tháng 6/2023 có thiết bị để triển khai thương mại trên toàn quốc. Kết quả phát triển thiết bị 5G từ năm 2019 đến nay với nguồn lực của Việt Nam thì những kết quả đạt được như trên có thể đánh giá là bước đột phá.
Mới đây, trong khuôn khổ sự kiện Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech - VHT) và United Telecoms Limited Group (UTL Group) của Ấn Độ đã thống nhất Thỏa thuận Hợp tác triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Ấn Độ và ký Hợp đồng xuất khẩu thiết bị công nghệ cao (IP Router) sử dụng cho nhà mạng Gwave thuộc UTL Group.
Hợp đồng xuất khẩu thiết bị công nghệ cao đầu tiên của Viettel High Tech là dấu mốc quan trọng khẳng định giải pháp hạ tầng mạng 5G Make in Việt Nam đã sẵn sàng thương mại và kinh doanh diện rộng, ngay cả tại những thị trường trình độ công nghệ cao, yêu cầu khắt khe như Ấn Độ.
Theo đó, VHT sẽ cung cấp, triển khai thiết bị IP Router trên mạng lưới viễn thông của nhà mạng Gwave (thành viên của UTL Group) tại thị trường Ấn Độ.
Đây là thiết bị truyền dẫn IP hỗ trợ tốc độ 100Gbps đáp ứng các yêu cầu của mạng 5G do Việt Nam làm chủ từ nghiên cứu đến sản xuất. Viettel là đơn vị nghiên cứu IP Router đầu tiên tại Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn CE (Châu Âu), FCC (Mỹ). Sản phẩm đã được Bộ Thông Tin và Truyền thông Việt Nam đánh giá và cấp chứng chỉ hợp chuẩn.
UTL Group là doanh nghiệp cung cấp giải pháp và dịch vụ viễn thông hàng đầu Ấn Độ. Đây là đơn vị dẫn đầu thị trường Ấn Độ về thị phần, năng lực nghiên cứu phát triển, triển khai công nghệ truyền dẫn, thiết bị đầu cuối trong cả lĩnh vực quân sự và viễn thông. Đặc biệt, đây cũng là đối tác toàn cầu của Liên Hợp Quốc về giải pháp CNTT với sự hiện diện tại 24 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Chia sẻ về lý do lựa chọn thiết bị mạng Việt Nam, ông Raja Mohan Rao Potluri, Chủ tịch UTL Group cho biết: “Chúng tôi quyết định lựa chọn thiết bị IP Router sử dụng trong mạng lưới nhà mạng Gwave. Điều này thể hiện niềm tin của UTL với chất lượng sản phẩm. Sau quá trình đánh giá cẩn trọng về khả năng làm chủ công nghệ, chúng tôi đã lựa chọn Viettel High Tech là đơn vị hợp tác triển khai thử nghiệm mạng 5G đầu tiên tại Ấn Độ cho nhà mạng BSNL (Bharat Sanchar Nigam Limited), nhà mạng quốc gia Ấn Độ”.
Theo ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng giám đốc Viettel High Tech, việc cung cấp thiết bị và hợp tác thử nghiệm 5G tại Ấn Độ là bước đầu của Viettel High Tech trong quá trình mở rộng thị trường.
“Với dân số 1,4 tỷ người, Ấn Độ là thị trường có sức hấp dẫn lớn với các tập đoàn công nghệ. Mục tiêu của chúng tôi là đẩy mạnh hợp tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển, sản xuất thiết bị, hệ thống thuộc tất cả các lớp mạng 4G, 5G đáp ứng tiêu chuẩn Make in India”, ông Nguyễn Vũ Hà cho biết.