Như VietNamNet đã đưa tin, từ sáng ngày 26/12, cáp Asia Pacific Gateway - APG gặp sự cố trên nhánh S6, nâng tổng số tuyến cáp biển đang gặp sự cố lên 3 tuyến, gồm cả AAE-1 và AAG đã bị lỗi trước đó nhưng chưa hoàn thành việc khắc phục, sửa chữa.
Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) cho biết, sau khi có sự cố mới nhất từ tuyến APG, trong những ngày đầu, khi các nhà mạng từng bước điều chỉnh, mở rộng các hướng khác để ứng cứu, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến trải nghiệm của một số nhóm người dùng Internet. Truy cập của người dùng đến một số hướng nhất định sẽ bị nghẽn, bị chậm.
Đề cập đến đối tượng người dùng bị ảnh hưởng nhiều hơn cả từ sự cố cáp biển, ông Vũ Thế Bình cho hay, phần lớn lưu lượng Internet quốc tế là dành cho người dùng cá nhân, đặc biệt là người dùng băng rộng di động. Vì vậy, có lẽ nhóm người dùng cá nhân sẽ cảm nhận được sự thay đổi về tốc độ dễ nhất sau sự cố. Tuy nhiên, theo quan sát của VIA, thì các nhà mạng thường là phản ứng khá nhanh để điều chỉnh bổ sung, trong một vài ngày.
Theo ước tính, với việc cả 3 tuyến cáp biển AAG, APG và AAE-1 cùng đang gặp sự cố, tổng dung lượng mà các nhà mạng tại Việt Nam sẽ phải bù là khoảng từ 50 – 60%. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, các nhà mạng Việt Nam cũng đã quen ứng phó với các sự cố cáp quang biển. “Do đó, chúng tôi tin rằng trong vài ngày sau sự cố, chất lượng chung sẽ được phục hồi. Một vài hướng có thể cục bộ gặp tình trạng chậm hoặc nghẽn, nhưng nhìn chung là chất lượng sẽ trở lại ở mức bình thường”, ông Vũ Thế Bình chia sẻ.
Hiện nay, các nhà mạng tại Việt Nam đều có các hướng kết nối Internet khác đi quốc tế, ví dụ qua đất liền phía Bắc rồi tới HongKong (Trung Quốc), qua đất liền phía Tây Nam rồi tới Singapore. Đây là các điểm trung chuyển lưu lượng Internet lớn của châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, vẫn còn các tuyến cáp biển khác đang hoạt động như IA và SMW3.
Cũng theo phân tích của đại diện VIA, thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của băng thông quốc tế cao hơn nhiều so với băng thông nội địa. Các nhà mạng đều có các hệ thống đo kiểm để đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ, cũng như các kịch bản để ứng phó khi có sự cố.
Bên cạnh đó, do lưu lượng Internet thực tế phần lớn liên quan đến 5 nhà cung cấp nền tảng, nội dung lớn toàn cầu, nên các biện pháp vận hành, triển khai hệ thống caching cũng đã giúp cải thiện chất lượng và trải nghiệm người dùng.
Mới đây, trong Chỉ thị về tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ TT&TT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong dịp Tết cũng như bảo đảm hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định hạ tầng kết nối, trung chuyển Internet…
Trước lo ngại việc thực hiện nhiệm vụ trên gặp khó khăn do các tuyến cáp biển gặp sự cố ngay thời gian giáp Tết, đại diện VIA tin tưởng: “Các nhà mạng hoàn toàn đủ khả năng để đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và độ ổn định thông tin liên lạc, kết nối Internet trong dịp Tết”.
Bàn về việc nâng cao chất lượng kết nối Internet quốc tế trong dài hạn, vị Phó Chủ tịch VIA cho hay, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng Internet vẫn ở mức cao, nhu cầu băng thông quốc tế tăng nhanh, vì vậy mỗi nhà mạng đều có chiến lược mở rộng, bổ sung, triển khai mới các tuyến cáp quốc tế.
Hiện tại, về số lượng/dung lượng các tuyến cáp quang biển, thì chúng ta còn thua xa Malaysia và Thái Lan. “Chúng tôi cũng mong rằng, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước cùng với các doanh nghiệp viễn thông sẽ có những chiến lược để đảm bảo hạ tầng kết nối quốc tế của Việt Nam đáp ứng được sự phát triển của Internet trong nước, cũng như có thể hướng tới khả năng Việt Nam có thể trở thành một điểm trung chuyển dữ liệu của khu vực”, ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm.