Theo Bộ TN&MT, từ đầu năm 2020 đến nay, môi trường không khí khu vực miền Bắc, trong đó có TP Hà Nội được cải thiện so với cùng thời điểm quan trắc năm 2019. Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm bụi vẫn xuất hiện nhưng có xu hướng giảm rõ rệt.
Những tháng cuối năm 2020, chất lượng không khí của Hà Nội có diễn biến xấu đi, do những biến động bất thường của yếu tố thời tiết, khí hậu. Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí đã ở mức kém và xấu, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm.
Ô nhiễm không khí liên tục biến động vào các tháng cuối năm |
Tại khu vực miền Nam, trong đó có TP.HCM, môi trường không khí bị tác động do bụi lơ lửng và tiếng ồn gây ra bởi hoạt động sản xuất và giao thông trong vùng, một số điểm bị ô nhiễm cục bộ.
Mặc dù thủ đô Hà Nội và TP.HCM có giá trị trung bình 24 giờ của thông số PM 2.5 cao hơn các thành phố khác, tuy nhiên, vẫn nằm dưới ngưỡng giới hạn cho phép của QCVN.
Bộ TN&MT cho biết, vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị khác chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5, PM10 và mang tính cục bộ tại một số khu vực, một số thời điểm nhất định; các thông số khác vẫn nằm trong ngưỡng quy chuẩn cho phép.
Bụi PM2.5 và chỉ số AQI ở mức xấu hơn trong thời gian đêm và sáng sớm, do điều kiện thời tiết khí hậu (hiện tượng nghịch nhiệt) kết hợp với các nguồn ô nhiễm từ các hoạt động dân sinh, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải.... Thời gian còn lại trong ngày khi có thay đổi về điều kiện thời tiết, các thông số này sẽ giảm đi.
Bộ TN&MT đưa loạt giải pháp
Bộ TN&MT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật giảm thiểu ô nhiễm không khí như: Quy định về trách nhiệm và một số biện pháp quản lý chất lượng không khí trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải và giám sát chất lượng không khí xung quanh; Quy hoạch mạng lưới quan trắc TN&MT quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Bộ TN&MT đề nghị các thành phố lớn đẩy mạnh thu hồi phương tiện xe cơ giới cũ nát, quá niên hạn sử dụng |
Bộ đã trình Thủ tướng Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương để cải thiện chất lượng môi trường không khí; đang triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phê duyệt của Thủ tướng tại quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 18/02/2020.
Trước tình hình gia tăng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM, Bộ đã có văn bản gửi 2 thành phố này đề nghị tăng cường triển khai các giải pháp, trong đó tập trung thống kê, đánh giá hiện trạng ô nhiễm không khí; tăng cường quan trắc, công bố, cảnh báo thông tin tới người dân.
Các Bộ, ngành liên quan như Bộ GTVT, Bộ Công Thương triển khai thực hiện đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”; tham mưu Thủ tướng ban hành quyết định số 16/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô-tô tham gia giao thông và xe ô-tô đã qua sử dụng nhập khẩu…
Người dân chủ động đối phó với ô nhiễm không khí để tự bảo vệ mình |
Ở cấp quốc gia, Bộ TN&MT đã và đang triển khai chương trình quan trắc môi trường không khí tại 3 vùng Kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam; một số chương trình quan trắc của các Bộ, ngành...
Đối với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, Bộ TN&MT đề nghị xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương, ưu tiên triển khai quan trắc, phân tích, đánh giá và kiểm soát nguồn ô nhiễm bụi mịn (PM2.5); chỉ đạo thực hiện biện pháp khẩn cấp khi môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý;
Tổ chức các biện pháp kiểm soát, điều tiết các phương tiện giao thông hợp lý; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường, phát triển hệ thống giao thông công cộng và khuyến khích người dân giảm phương tiện cá nhân, quản lý chất thải, khí thải phát sinh từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị để giảm thiểu khí thải, bụi phát tán;
Triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, không sử dụng than và bếp than tổ ong trong sinh hoạt, tiến tới kiên quyết cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021...
Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, sau 6 ngày chất lượng không khí chỉ số xấu và rất xấu thì hôm nay, 8/1, do có không khí lạnh tăng cường, độ ẩm giảm sâu nên chỉ số AQI ở Hà Nội đã phủ sắc xanh, chất lượng không khí tốt. AQI trung bình ở Thủ đô hôm nay là 28, độ ẩm 51.1 %. Tất cả các huyện ngoại thành như Phúc Thọ, Hoài Đức, Chương Mỹ, Ứng Hoà, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức... hay các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân... đều có AQI dao động từ 3-37. Những điểm thường xuyên có chất lượng không khí xấu như khu vực huyện Sóc Sơn, đường Phạm Văn Đồng - quận Bắc Từ Liêm hay đường Trần Hưng Đạo - quận Hoàn Kiếm thì hôm nay cũng trong biên độ xanh, chất lượng không khí tốt. Dự báo hình thái thời tiết lạnh có hơi ẩm sẽ tiếp tục kéo dài điều đó sẽ giúp chất lượng không khí ở Thủ đô sẽ duy trì tốt từ nay đến hết tuần. |
Nghẹt thở vì ô nhiễm không khí, Hà Nội ra chỉ đạo 'nóng'
Hà Nội giao các đơn vị xây dựng kịch bản ứng phó, khuyến cáo người dân trong các ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức “rất xấu”, “nguy hại” để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe.
Thái Bình