Rất nhiều người lên mạng xã hội nhờ tư vấn mua laptop cho con học online. Ngân sách hạn hẹp và giao hàng khó khăn đang là rào cản khiến phụ huynh khó tiếp cận thiết bị cho con lên mạng học từ xa.
Laptop cũ bên trong một cửa hàng máy tính. (Ảnh: Toàn Anh) |
Anh Duy Phúc ở Củ Chi (TP.HCM) muốn mua laptop cho con học, tuy nhiên cửa hàng Điện máy Xanh nơi anh định mua không giao hàng. Anh Phúc đành lên nhóm chợ online của huyện đăng thông tin, xem ai có thể vận chuyển máy đến tận nhà.
Do TP.HCM đang giãn cách nghiêm ngặt, shipper chỉ được vận chuyển hàng hoá thiết yếu và hoạt động trong một quận huyện nên việc giao laptop rất khó khăn. Người dân cũng phải có giấy đi đường mới được lưu thông, không thể lấy lý do đi mua máy cho con học để ra khỏi nhà.
Ở một số huyện khá xa như Củ Chi, bình thường các chuỗi lớn vẫn có thể giao hàng tới, nhưng trong bối cảnh hiện tại thì không thể, một số nơi giao được song khách phải chờ đợi. Lúc này, phụ huynh chỉ còn cách đăng lên các hội nhóm chung quanh để những cửa hàng máy tính gần nhà, cùng xã phường tìm cách giao đến.
Ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động Thế Giới Di Động, cho biết nhu cầu mua laptop tăng lên kể từ đầu dịch, đến tháng 8, đầu tháng 9 tăng lên gấp đôi. “Một số địa phương vẫn mở cửa bình thường, vài nơi chỉ bán online. Riêng Hà Nội và TP.HCM rất khó giao hàng”, ông Tuyên nói.
Tại các hệ thống bán lẻ như FPT Shop, CellphoneS, nhu cầu mua laptop những ngày cận khai giảng tăng lên 2-4 lần, tuỳ theo mẫu máy. Các laptop ở phân khúc giá 10-15 triệu đồng được mua nhiều hơn.
Nhu cầu lên cao nhưng hàng hoá không nhiều. Một số mẫu máy trên website FPT Shop hết hàng tại khu vực TP.HCM, phải đặt để nhận hàng trong 2-7 ngày. Một số nhà bán lẻ khác cũng giao trong thời gian trung bình 3-4 ngày. Hầu như các cửa hàng đều sử dụng đối tác vận chuyển có giấy phép lưu thông chứ không dùng đội ngũ có sẵn như trước.
Dù nhu cầu thị trường lên cao nhưng nguồn cung cũng hạn chế. Ông Phùng Ngọc Tuyên cho rằng việc khan hàng diễn ra trên toàn cầu. Kể từ tháng 4, dự báo được việc khan hàng nên Thế Giới Di Động thực hiện thu mua, trữ hàng nhưng vẫn không đủ.
Không chỉ khó khăn về nguồn cung, nhiều phụ huynh gặp khó khăn về tài chính cũng là rào cản khi mua hàng ở thời điểm hiện tại. Ở các hệ thống lớn, giá laptop thường từ mức 10 triệu đồng trở lên. Trong khi rất nhiều phụ huynh chỉ có ngân sách 4-5 triệu đồng để mua máy. Do đó, một phần nhu cầu này chuyển sang các cửa hàng nhỏ lẻ, bán máy cũ.
Anh H.L, một người bán máy tính cũ tại Quận 5 (TP.HCM), cho hay chỉ trong mấy ngày cuối tháng 8, cả chục khách hỏi mua máy cho con học online. Nhu cầu của nhóm khách này ở mức giá dưới 10 triệu đồng, phổ biến khoảng 4-6 triệu.
“Cũng có người hỏi mua laptop giá 1-2 triệu đồng. Không thể có giá này được”, anh L. nói.
Việc khan hiếm hàng, khó mua hàng tại TP.HCM làm ảnh hưởng đến các tỉnh xung quanh vì TP.HCM là đầu mối nhập hàng của nhiều tỉnh.
Anh Nguyễn Hậu (Long Khánh, Đồng Nai) cho biết có nhiều khách hỏi mua máy tính bảng, PC, laptop cho con học online nhưng mối sỉ của anh không thể giao hàng tới, các đầu mối ở Sài Gòn cũng không giao được. “Phụ huynh cố gắng cho con học tạm bằng điện thoại vậy”, anh Hậu đề xuất.
TP.HCM bước sang tuần thứ 3 giãn cách nghiêm ngặt, lưu thông hàng hoá siết chặt mạnh mẽ. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố thống nhất quan điểm không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi và đang có kế hoạch mở thí điểm từng bước những địa phương an toàn, những ngành nghề có thể bảo đảm phòng dịch. Trong đó, dự kiến mở lại kênh thương mại điện tử thông qua đội ngũ shipper đã được tiêm chủng và cấp phép. Khi đó, việc mua hàng hoá của người dân sẽ được nới rộng hơn.
Hải Đăng
Nhu cầu laptop tăng gấp đôi, giao hàng có thể mất 3 tuần
Một số dòng laptop phổ thông gần như không còn hàng tại các chuỗi lớn do nhu cầu học trực tuyến tăng cao, vận chuyển khó khăn.