Trong khi đó, nhà sản xuất Windows kỳ vọng tính năng mới có thể giúp hồi sinh Bing và đánh bại sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến vốn là nền tảng cho mảng kinh doanh quảng cáo béo bở tạo ra doanh thu 100 tỷ USD vào năm ngoái.
Google cho biết việc đưa AI vào kết quả tìm kiếm sẽ tạo ra các phản hồi bằng văn bản hoặc hình ảnh cho phép người dùng tương tác với thông tin theo “những cách hoàn toàn mới”.
Cũng trong tuần này, gã khổng lồ tìm kiếm ra mắt dịch vụ chatbot BARD cạnh tranh với ChatGPT, ứng dụng AI có sự hậu thuẫn của Microsoft. Tuy nhiên việc phát hành đã gặp phải trục trặc có thể khiến chatbot này “mất điểm” trong cuộc đọ sức với đối thủ.
Trong đoạn video GIF (hình động) ngắn về hoạt động của BARD được công ty đăng tải trên Twitter, Google mô tả chatbot này là “bệ phóng cho sự tò mò khám phá” giúp đơn giản hoá những chủ đề phức tạp. Nhưng ngay trong đoạn quảng cáo, khi được hỏi về “những khám phá mới của kính viễn vọng không gian James Webb (JWST)”, BARD lại đưa ra câu trả lời không chính xác khi trả kết quả rằng JWST đã được sử dụng để chụp những bức ảnh đầu tiên về 1 hành tinh ngoài hệ Mặt trời, còn gọi là ngoại hành tinh.
Những bức ảnh đầu tiên về ngoại hành tinh được chụp bởi Kính viễn vọng siêu lớn của Đài thiên văn Nam Âu (VLT) vào năm 2004, theo xác nhận của NASA.
Hoạt động kinh doanh quảng cáo đang mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho Alphabet, chiếm tới 80% doanh thu hàng năm công ty này. Bởi vậy, đây cũng là mục tiêu mà các đối thủ muốn nhắm tới nhằm làm suy yếu công ty đang chiếm giữ thị phần tìm kiếm Internet.
Microsoft cho biết họ hi vọng mỗi điềm phần trăm thị phần giành được sẽ mang về 2 tỷ USD doanh thu quảng cáo tìm kiếm.
Giới phân tích nhận định việc Google tích hợp AI vào kết quả truy vấn là động thái nhằm giữ chân người dùng chuyển sang đối thủ Bing.
Ngoài tìm kiếm, công ty này cũng giới thiệu một loạt các cải tiến đưa AI tích hợp bằng nhiều dạng thức vào tính năng Bản đồ, chế độ Xem trong nhà, Tìm kiếm hình ảnh và Bản dịch.
Trong một diễn biến khác, trước sự trỗi dậy của các tính năng AI, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét đưa công nghệ này vào trong khuôn khổ với dự thảo Đạo luật AI.
Thế Vinh (Reuters)