Trong các sự kiện công nghệ truyền thống, lãnh đạo doanh nghiệp xuất hiện trên sân khấu và nói về những điểm mới của camera, chip trên điện thoại năm nay so với năm ngoái.
Song, điều đó đã thay đổi trong tuần trước. Vài tên tuổi công nghệ lớn nhất thế giới úp mở về các nâng cấp đáng kể trên dịch vụ của mình, một số gắn liền với cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Điểm chung của chúng là được hỗ trợ bằng AI để phản hồi tự nhiên hơn và đúng yêu cầu hơn.
Ngày 7/2, Microsoft giới thiệu công cụ tìm kiếm Bing mới, tích hợp công nghệ đứng sau chatbot “hot” nhất hiện nay ChatGPT. Bing mới sẽ không chỉ cung cấp danh sách kết quả tìm kiếm mà còn trả lời câu hỏi, trò chuyện với người dùng và sáng tạo nội dung. Microsoft còn được đồn sẽ trình diễn các tính năng AI trong bộ ứng dụng Office vào tháng 3.
Một ngày sau, đến lượt Google tổ chức sự kiện công bố chi tiết kế hoạch sử dụng công nghệ AI cho công cụ tìm kiếm để cạnh tranh với Bing và ChatGPT. Các “ông lớn” Trung Quốc như Alibaba và Baidu cũng nói sẽ ra mắt dịch vụ giống ChatGPT.
Sau nhiều năm smartphone không có đột phá, mạng xã hội mải bắt chước nhau, loạt thông báo liên quan đến AI đã mang đến làn gió mới cho ngành công nghệ.
Dù vẫn còn lo ngại về khả năng thực sự của công nghệ hay định kiến và thông tin sai lệch của AI, không thể phủ nhận người dùng vô cùng háo hức được dùng thử. Chỉ cần nhập vài từ khóa vào ChatGPT để viết một bài quảng cáo nhà đất hay đánh giá nhân viên, lên lịch nấu ăn hay mua đồ dựa theo kế hoạch ăn kiêng.
Nếu sự ra đời của smartphone đã định hình những năm 2000, phần lớn những năm 2010 lại xoay quanh các công nghệ tham vọng nhưng chưa cất cánh: Xe tự lái, thiết bị thực tế ảo, 5G.
Song, luôn có một sản phẩm “đinh” bất ngờ xuất hiện sau nhiều năm chuẩn bị. Chẳng hạn, iPhone được phát triển trong thời gian dài trước khi Steve Jobs làm mọi người kinh ngạc vào năm 2007. ChatGPT cũng vậy. OpenAI – startup đứng sau chatbot – thành lập 7 năm trước và ra mắt phiên bản GPT3 vào năm 2020. Dù chỉ bùng nổ trong vài tháng gần đây, thực tế, ChatGPT đã được chuẩn bị từ lâu.
Hơn thế, các hệ thống AI đã làm nền tảng của nhiều chức năng chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày, chẳng hạn khuyến nghị nội dung trên mạng xã hội hay công cụ tự động hoàn thiện trong email, cho đến trợ lý giọng nói hay nhận diện gương mặt. Khi ChatGPT được tung ra cho công chúng tháng 11 năm ngoái, nó đưa sức mạnh của AI lên trước mắt hàng triệu người dùng theo một cách vô cùng giải trí. Nó cho thấy AI đã tiến bộ ra sao trong những năm gần đây và giúp mọi người tưởng tượng được tiềm năng khổng lồ đến các ngành công nghiệp.
Khi ChatGPT nhận được sự quan tâm đáng kinh ngạc và buộc các doanh nghiệp lớn hơn phải triển khai tính năng tương tự, có những lo ngại về mức độ chính xác lẫn tác động đến con người. Một số ý kiến lo sợ nó sẽ đẩy nhiều người “ra đường”, bao gồm nghệ sỹ, gia sư, lập trình viên, tác giả hay nhà báo. Số khác lạc quan hơn khi cho rằng nó sẽ giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn và có thời gian tập trung cho công việc khác phức tạp hơn. Dù thế nào đi nữa, AI có xu hướng buộc các ngành công nghiệp thay đổi và tiến bộ.
Theo nhà phân tích Bern Elliott đến từ Gartner, các công nghệ mới luôn đi cùng rủi ro. Xã hội phải giải quyết chúng, chẳng hạn áp dụng các chính sách và giáo dục công chúng về cách dùng đúng đắn. Cần thiết phải có hướng dẫn sử dụng.
Theo CNN, nhiều chuyên gia ví AI với những ngày đầu của máy tính. Khi đó, các nhà khoa học và nhà giáo dục cũng e sợ nó có thể ảnh hưởng đến kiến thức toán học cơ bản. Nỗi sợ hãi tương tự cũng xuất hiện với các công cụ kiểm tra chính tả, ngữ pháp.
Dù AI vẫn đang ở giai đoạn đầu, tuần qua đại diện cho khởi đầu của một phương pháp làm việc mới, giống với cách iPhone đã thay đổi điện toán và truyền thông vào tháng 6/2007. Tuy nhiên, lần này, nó có thể tồn tại dưới dạng trình duyệt Bing.
(Theo CNN)