Trước đó, Meta thông báo kế hoạch bắt đầu đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn Llama bằng các bài đăng công khai của người dùng trong khu vực châu Âu. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau gã khổng lồ mạng xã hội tuyên bố tạm dừng kế hoạch trên vô thời hạn do Cơ quan Bảo vệ Dữ liệu Ai-Len phản đối.

“Đây là một bước thụt lùi đối với đổi mới sáng tạo, sự cạnh tranh trong phát triển AI và sự chậm trễ đưa lợi ích của AI đến cho người dân châu Âu”, trích tuyên bố của Meta trên blog. “Nói một cách đơn giản, nếu không sử dụng các dữ liệu địa phương, công ty chỉ có thể đem đến cho người dùng trải nghiệm hạng hai, đồng nghĩa với việc chúng tôi không thể ra mắt Meta AI ở khu vực này”.

Người phát ngôn của Meta xác nhận công ty vẫn có kế hoạch ra mắt những sản phẩm AI tại thị trường này, nhưng từ chối nêu thời gian cụ thể. Theo báo cáo tài chính của công ty, vào cuối năm 2023, Facebook có 308 triệu người dùng hoạt động hằng ngày ở châu Âu.

Meta đã và đang rót nguồn lực đáng kể vào công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm nỗ lực bắt kịp những gã khổng lồ công nghệ khác, bao gồm Google, Microsoft và OpenAI. Hồi tháng 4, công ty ra mắt LLM mới nhất - Llama 3. Hiện người dùng ở Mỹ cũng đã được tiếp cận trợ lý ảo Meta AI.

Trong khi đó, có thông tin cho hay Apple và Meta gần như sẽ phải đối mặt với án phạt liên quan cáo buộc độc quyền tại châu Âu. Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải “mở cửa” đối với những đối thủ nhỏ hơn, tạo điều kiện cho người dùng dễ dàng chuyển qua lại giữa các dịch vụ trực tuyến như mạng xã hội, trình duyệt web hay cửa hàng ứng dụng.

Dự kiến cơ quan quản lý sẽ công bố kết quả điều tra sơ bộ đối với Apple và Meta vào tháng 8 này. Chế tài quy định các công ty bị kết luận vi phạm quy định có thể phải đóng phạt lên tới 10% tổng doanh thu toàn cầu hàng năm. Tuy nhiên, trước khi phán quyết được đưa ra, họ có thể đề xuất các biện pháp khắc phục những quan ngại được nêu ra.

(Theo Bloomberg, FT)