Thông tin từ Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam, các đám cháy pin xe điện không thể dập tắt bằng các loại bình chữa cháy thông thường (bình bột, bình C02), chỉ các loại bình sử dụng công nghệ gốc nước và cát ẩm mới phát huy hiệu quả.
Đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH cho biết, các chuyên gia của Hiệp hội và cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH đã sử dụng phép thử 3 bước gồm:
Bước 1: Các chuyên gia sẽ dùng bếp lò xo bằng điện để gia nhiệt trực tiếp lên khối pin tại vị trí thiết kế lắp pin trên xe điện để kích cháy.
Bước 2: Khi đám cháy bùng phát trên khối pin và cháy lan ra toàn xe, đồng thời các viên pin phát nổ và bắn văng ra các khu vực lân cận thì tiến hành đo nhiệt độ đám cháy, bấm giờ và bắt đầu sử dụng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy. Các viên pin bắn ra xung quanh cũng được đo và ghi nhận nhiệt độ.
Bước 3: Sau khi đám cháy được dập tắt, ghi nhận các thông số về nhiệt độ pin, thời gian, kết quả chữa cháy, hiện tượng sau khi chữa cháy, tổng hợp kết quả.
Quá trình thử nghiệm cho thấy, nhiệt độ các đám cháy đo tại khối pin trước thời điểm tiến hành dập cháy trong khoảng 500 -600 độ C. Trong quá trình cháy, các viên pin phát nổ và văng ra xa hơn 30m với độ cao ước lượng khoảng 15m so với vị trí của xe điện. Viên pin văng ra có nhiệt độ khoảng 250oC. Các bình chữa cháy xách tay loại bình bột và bình khí CO2 không thể dập tắt được đám cháy.
Bình chữa cháy F500 EA - sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước, dập tắt được đám cháy trong thời gian 2 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu (< 60oC).
Bình chữa cháy ORION OR-6 - sử dụng công nghệ nước và foam đặc biệt, dập tắt được đám cháy trong thời gian 4 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu (< 60oC).
Bình chữa cháy Eco Fire 6- sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước, dập tắt được đám cháy trong thời gian 4 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin vẫn nổ và có khói, nhiệt độ cao (> 230oC).
Ông Trần Thành Vinh, Trưởng Ban Khoa học Kĩ thuật, Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn Việt Nam cho biết, trong quá trình cùng cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH sử dụng phép thử 3 bước, cho kết quả sử dụng bình gốc nước sẽ giúp chữa cháy nhẹ nhàng và nhanh chóng.
Ngoài bình chữa cháy xách tay, các chuyên gia cũng đã thử sử dụng cát ẩm và cho thấy có khả năng dập tắt đám cháy trong một số điều kiện nhất định, bao gồm: Phải tác động để xe đổ xuống sàn và phải sử dụng lượng cát lớn để bao phủ toàn bộ đám cháy.
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân - Phòng Công tác chữa cháy, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, khi pin xe điện cháy sẽ phát nổ, nếu sử dụng cát khô sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia chữa cháy. Hiện nay, một số cơ sở đã trang bị cát để phục vụ công tác chữa cháy nhưng chưa quan tâm đến việc tưới nước, làm ẩm cát thường xuyên.
Thêm vào đó, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân khuyến cáo, khi xảy cháy xe điện thì người chữa cháy cần nhanh chóng cách ly xe cháy với các xe khác để chống cháy lan.