Nửa đêm ngày 11/12, Lê Mai (26 tuổi, nhân viên văn phòng) "ôm chặt" chiếc điện thoại, ngồi nhìn lại giỏ hàng đang có khoảng hơn 200 món và chọn ra các đồ cần mua cho đợt săn sale diễn ra sau đó khoảng 15-20 phút.
"Đợt giảm giá cuối cùng trong năm nên mình khó lòng bỏ lỡ. Mình dùng luân phiên 3 sàn thương mại điện tử khác nhau. Mỗi sàn lại để dành mua các sản phẩm khác nhau, sao cho số tiền phải trả rẻ nhất có thể”, Mai nói.
Trước đó không lâu, Mai vừa bỏ ra một khoản không nhỏ cho hai dịp 11/11 và Black Friday. Trung bình, cô tốn 3-4 triệu đồng cho mỗi đợt.
Ba đợt giảm giá 11/11, Black Friday và 12/12 với nhiều khuyến mãi hấp dẫn diễn ra trong vòng 1 tháng. Ảnh: Phương Lâm. |
“Ba đợt giảm giá liền kề nhau khiến mình cháy túi, lạm chi gấp 2-3 lần so với thông thường. Tuy số tiền mình bỏ ra có thể thấp hơn nhiều bạn khác nhưng đã cao hơn mức chi tiêu thông thường của bản thân”, Mai cho hay.
Các đợt giảm giá 11/11, Black Friday và 12/12 diễn ra chỉ trong vòng 1 tháng đem lại một mùa mua sắm cuối năm sôi động và khiến không ít bạn trẻ chi tiêu quá tay, vượt ngoài dự tính ban đầu. Mặt khác, cũng có những người không mấy quan tâm đến chuyện mua đồ giá hời và họ chọn đứng ngoài “cuộc đua” săn sale.
Dễ mềm lòng trước hai chữ "giảm giá"
Tài khoản mua hàng online được xếp hạng Kim cương, Bảo Trâm (25 tuổi, kế toán tại TP.HCM) cho biết số đơn trong các đợt săn sale gần nhất luôn xấp xỉ con số 20.
“Mình đặt 21 đơn đợt 11/11, tốn hơn 5 triệu đồng, trong đó đơn của mình chiếm hơn một nửa, còn lại là mua hộ công ty. Đến Black Friday, mình tốn thêm khoảng 2 triệu đồng, với món hời nhất là đôi giày thể thao giảm 70%, từ 2,7 triệu đồng xuống còn 500.000 đồng. Dịp 12/12 thì chi khoảng 3 triệu đồng cho 20 đơn”, Trâm kể với Zing.
Vốn nghiện mua sắm, hầu hết đồ dùng cá nhân đều được Trâm mua online, từ sữa rửa mặt, kem đánh răng cho đến sơn móng tay, ốp điện thoại, tai nghe, dây sạc…Ở đợt giảm giá nào, cô cũng “tậu” thêm mỹ phẩm, đồ skincare, đồ chăm sóc chuột hamster.
Số lượng đơn hàng Bảo Trâm đặt cho ngày 12/12. Ảnh: NVCC. |
Từ đầu tháng, cô đã xem nhà còn thiếu món nào để bỏ sẵn vào giỏ, đến gần ngày sale thì lập list đồ, thu thập dần mã giảm giá. “Hầu hết mỗi đợt có bao nhiêu mã giảm mình đều sử dụng hết, mua đồ xong nhanh thì kết thúc lúc 1h, muộn hơn thì thức đến 2-3h”.
Trâm cho biết cô chủ yếu thấy sale mạnh nên mới mua, cộng với tâm lý sợ bỏ lỡ.
“Thấy giá rẻ quá nên mình ham, ví dụ như lọ kem bôi da mới dùng được một nửa mà thấy đang sale nửa giá là lại mua thêm về để dành".
Trâm cho hay cô dùng thẻ tín dụng quẹt thoải mái, lại còn được hoàn tiền nên dễ đem lại cảm giác lúc nào cũng mua được giá hời. Cộng với suy nghĩ "giảm nhiều vậy không mua lại phí" nên có những lần sát đến ngày sale mà chưa biết mua gì, cô lại “cố vắt óc tìm đồ chứ không nỡ nhìn đợt sale trôi qua”.
“Nhiều lần, đồ mua về mới thấy đâu cần thiết lắm. Quần áo mặc không vừa lại đem cho người thân hay 4-5 chục chiếc ốp điện thoại để kín một thùng các tông cũng không thể dùng hết”.
Vào ngày săn sale, chuyện chi tiêu quá tay đã trở thành điều quen thuộc với hội thích mua sắm. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Tuy vậy, Trâm cô không thấy hối tiếc nhiều vì số tiền bỏ ra săn sale vẫn ở mức cho phép, không lố vào các khoản chi tiêu khác trong tháng.
“Mỗi đơn mình đều tính toán xem có dùng được voucher không hay áp dụng mã giảm giá nào sao cho hời nhất có thể, chứ không phải cứ thấy giảm là mua. Phần lớn đồ đều ở các gian chính hãng, nếu ở các shop nhỏ lẻ khác mình đều xem review kỹ nên hiếm khi gặp phải trường hợp hàng kém chất lượng”.
Mặt khác, theo Trâm, cuối năm là thời điểm sale đậm nhất, sát Tết cũng không có mức giá ưu đãi bằng nên cô tranh thủ mua. Vào thời điểm đầu hay giữa năm, số lượng đơn săn sale chỉ bằng một phần nhỏ.
"Đã mua đủ rồi"
Ngày 12/12, Hà Thanh (30 tuổi, Hà Nội) chỉ chi thêm khoảng 2 triệu đồng mua thêm giày dép, túi xách vì đã sắm đủ đồ.
Đợt sale 11/11 cách đó 1 tháng là lần Thanh vung tiền mua sắm mua mỹ phẩm nhiều nhất trong năm nay với khoảng 30 đơn hàng. Các sản phẩm cô mua đều thuộc phân khúc cao cấp, có giá trị từ 2-5 triệu đồng/món.
2 trong số các đơn hàng mỹ phẩm cao cấp được Hà Thanh mua từ đợt săn sale 11/11. Ảnh: NVCC. |
Theo quan sát của Thanh, dịp 11/11 là đợt sale mạnh nhất trong năm nên cô quyết định gom hết mua một thể.
Ngoài ra, mức giảm cho các sản phẩm cao cấp thực tế chênh lệch không lớn so với giá bán trực tiếp ở cửa hàng. Tuy nhiên, quà tặng kèm vào dịp săn sale lại rất hậu hĩnh.
“Nếu trước kia, mình ra mua trực tiếp, được tặng kèm vài ba gói dùng thử là thấy ổn rồi. Còn giờ mua online, số lượng quà tặng rất nhiều và đa dạng, chất lượng, gần như mua 1 tặng 1”, Thanh cho hay.
Vậy nên, đợt giảm giá cuối cùng trong năm, cô không còn quá hứng thú. “Tuy nhiên, vẫn cần áp dụng một số chiến thuật", cô kể.
Trước khi mua, Thanh đều ngắm nghía kỹ khung giờ các mã giảm giá hay số lượng quà tặng đi kèm để “chốt deal” nào thích nhất.
“Mình không cần canh khung 0h như tháng trước mà chờ đến đúng 9h sáng mới vào mua. Việc áp dụng 3 mã giảm từ nhà bán hàng, từ sàn thương mại, từ ngân hàng giúp mình giảm tiếp mấy trăm nghìn so với giá đã sale”, cô kể.
Tốn tiền mua sắm
Với Ngọc Huyền (24 tuổi, Hà Nội), đợt sale cuối cùng trong năm không hẳn là dịp khuyến mãi hấp dẫn.
"Đa số các món mình thích có giá khá đắt, không giảm hoặc giảm không bõ. Những đợt sale như 11/11, 12/12, mình chỉ chờ deal hời để mua đồ điện tử hay đồ skincare", Huyền chia sẻ cô đã chi 4,5 triệu đồng mua tai nghe Airpods 3, giảm từ giá gốc hơn 7 triệu đồng.
Lý do khiến Huyền không mặn mà bao gồm ngày sale thường trùng vào thời điểm giữa tháng, khi cô đã tiêu khá nhiều sau khi nhận lương nên không muốn chi thêm. Ngoài ra, nhiều đồ sale là hàng cũ, mẫu mã không đẹp.
Đơn hàng tai nghe trị giá hơn 4,5 triệu đồng của Ngọc Huyền. Ảnh: NVCC. |
"Tài chính giờ của mình đã ổn định hơn nên không nhất thiết phải mua bằng được giá giảm", cô nói.
Tuy vậy, Huyền cho biết dù không nhiệt tình săn sale, cô vẫn tốn khá nhiều tiền cho việc mua sắm vào 2 tháng vừa qua với khoảng 10 triệu đồng. "Cuối năm là thời điểm tiệc tùng, gặp mặt nhiều nên ai cũng mang tâm lý làm đẹp, đầu tư cho bản thân", Huyền bày tỏ.
Tương tự, Hồng Anh (21 tuổi, quận 8) đã chi khoảng 10 triệu đồng để "sắm Tết dần", còn bản thân gần như không mua đồ gì vào 3 đợt sale cuối năm.
"Thói quen của mình là cần món nào sẽ mua luôn, không quá để ý tới giá. Việc có sale hay không cũng không ảnh hưởng đến mình. Nếu mua được giá giảm thì vui, còn đâu cũng không sao cả", Hồng Anh cho biết.
Nữ sinh viên năm cuối cho biết trước kia, cô cũng mang tâm lý sợ bỏ lỡ, cứ thấy giảm giá là "hốt lẹ". "Về sau, mình thấy nhà có quá nhiều món không cần thiết và rất hay bị vung tiền quá tay. Giờ, mình tập được thái độ không quan tâm tới sale".
"Ngày 12/12, trong giỏ hàng mình có một vài ba món như bông tẩy trang, trùng vào thời điểm hết đồ nên mới mua chứ không phải do có chủ đích săn sale từ trước".
(Theo Zing)
Cuộc chiến 'săn sale', làm sao cho hiệu quả?
Việc "săn sale" được nhiều người trẻ coi là chiến tích để chứng tỏ bản thân là người tiêu dùng thông thái, ít nhất là trong suy nghĩ của họ. Nhưng "săn sale" sao cho hiệu quả, có phải ai cũng biết?