Tác giả của bộ ảnh này là Phạm Sơn, một kỹ sư 8X đang làm việc tại Hà Nội. Để phục dựng bộ ảnh, anh Sơn mất khoảng 6 tiếng thực hiện, trong 2 ngày anh nghỉ vì nhiễm Covid-19.
Chia sẻ với VietNamNet, anh cho biết, ý tưởng phục dựng bộ ảnh này ban đầu chỉ xuất phát từ mục đích giải trí, muốn chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với cộng đồng.
“Tôi không ngờ bộ ảnh lại được chia sẻ nhiều như vậy. Có lẽ các nhà thơ này đã quá nổi tiếng cùng những tác phẩm thân thuộc với mọi người. Chính hình ảnh của họ với vẻ ngoài gần gũi từ khuôn mặt tới kiểu tóc đã tạo nên sức hút và làm cho bộ ảnh viral (lan tỏa) trên mạng xã hội”, anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, khi phục dựng những bức ảnh bằng trí tuệ nhân tạo, việc đầu tiên cần làm là xử lý để tăng chất lượng hình ảnh gốc. Tiếp đến, cần sử dụng công cụ AI để lên màu, giúp hình ảnh đẹp hơn.
Ở bước cuối cùng, người thực hiện sẽ dùng đến các công cụ AI như Midjourney hoặc Stable Diffusion để xử lý. Công đoạn này giúp hình ảnh thành phẩm có sắc thái rõ ràng hơn. Đây là lúc cần đến các thông tin đầu vào như trang phục, bối cảnh, sắc mặt, độ tuổi, giới tính,... nhằm làm tăng độ chính xác khi phục hồi.
Phạm Sơn cho hay, bản thân anh phải chịu khó học, đọc và tìm hiểu mới có thể làm tốt được công việc này. Trong quá trình đó, AI chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ việc phục hồi, con người vẫn là yếu tố mang tính quyết định.
Để làm “sống lại” các nhân vật trong những bức ảnh xưa cũ bằng AI, người thực hiện cũng cần phải có một chút kiến thức về IT, mỹ thuật, lịch sử để đảm bảo tính chính xác của bức hình. Bên cạnh đó, độ chân thực của bức ảnh đóng vai trò rất quan trọng. Người thực hiện sẽ phải xử lý tốt file ảnh đầu vào, cung cấp các thông số và tiêu chí nhằm giúp AI thực hiện.
Tiếp theo sau bộ ảnh phục dựng các nhà thơ nổi tiếng, chàng kỹ sư 8X này đang ấp ủ ý định sẽ phục dựng lại hình ảnh các chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ vùng biển, vùng trời Trường Sa, Hoàng Sa của tổ quốc.
Dưới đây là hình ảnh một số nhà thơ được phục dựng ảnh màu nhờ công nghệ AI: