Sự xuất hiện của Raheem Sterling tạo nên chiều sâu và tính linh hoạt cho lối đá tấn công của Chelsea. Ngược lại, Ronaldo sẽ mang đến nhiều vấn đề nếu ông chủ Todd Boehly thực sự kéo anh về London.
Tầm quan trọng của Sterling
Khi Raheem Sterling đồng ý chuyển đến Stamford Bridge, các đồng đội mới háo hức chờ đợi sự xuất hiện của anh. Họ biết những gì Chelsea nhận được từ người cũ của Man City: một chuyên gia cầm bóng, chiến binh không bao giờ bỏ cuộc, một nhà lãnh đạo thông minh trên hàng công.
Một điều quan trọng khác: Sterling có nhiều kinh nghiệm ở Premier League và được trui rèn trong hệ thống chiến thuật của Pep Guardiola - một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất hai thập kỷ nay.
Về mặt lý thuyết, Sterling rất phù hợp với Chelsea. Không giống như Romelu Lukaku, người đã trở lại Inter dưới dạng cho mượn, tiền đạo người Anh là mẫu cầu thủ biết cách tạo sức ép cho hàng thủ đối phương, cũng như ngăn cản đối thủ triển khai bóng từ sân nhà.
Ngoài vị trí thường xuyên trong đội tuyển Anh, những thành tích tại Man City cho thấy Sterling phù hợp với bóng đá hiện đại, yêu cầu các tiền đạo hoạt động rộng chứ không chỉ đứng chờ cơ hội.
HLV Thomas Tuchel là người chọn Sterling để làm mới hàng công sau mùa giải thất bại và tỷ phú Todd Boehly ngay lập tức đáp ứng.
Trong suy nghĩ của Tuchel, Sterling ngoài ảnh hưởng về lối chơi còn có khả năng ghi những bàn thắng quan trọng. Anh ghi 13 bàn ở Premier League mùa trước dù không được Pep xếp đá chính thường xuyên, con số mà không cầu thủ Chelsea nào sánh được.
Ở giai đoạn cuối mùa 2021-22, khi Man City bộc lộ nhiều vấn đề, chính Sterling tạo khác biệt giúp CLB thành Manchester vô địch bóng đá Anh. Nổi bật là trận đấu với Aston Villa ở vòng cuối, anh vào sân và tạo cảm hứng cho màn ngược dòng thắng 3-2 của "The Citizens".
HLV Tuchel thất bại với "số 9" Lukaku. Ông quyết định chọn Sterling vì sự linh động trong lối chơi để xây dựng hàng công mà ai cũng có thể ghi bàn. Tuyển thủ Anh hứa hẹn bổ sung tuyệt vời cho những Hakim Ziyech, Timo Werner, Christian Pulisic, Kai Havertz, cũng như Mason Mount.
Trong khi Man City (mua Erling Haaland) và Liverpool (chiêu mộ Darwin Nunez) để tăng cường trung phong, thì Chelsea trở lại "số 9 ảo". Tuchel đang cân nhắc chuyển từ 3-4-3 sang 4-3-3 cân bằng hơn. Sterling và Kai Havertz có thể được bố trí vai trò mũi nhọn trong hệ thống mới.
Ronaldo không cần thiết với Chelsea
Không nghi ngờ gì việc ký hợp đồng với Sterling là một bước khởi đầu đáng khích lệ với Todd Boehly, vị chủ tịch kiêm luôn vai trò Giám đốc thể thao tạm quyền của Chelsea.
Giờ đây, tỷ phú Boehly đang chạy theo chính sách chiêu mộ ngôi sao lớn như các ông xây dựng đội bóng chày LA Dodgers để phát triển thương mại.
Cristiano Ronaldo là ưu tiên của Boehly. Tỷ phú người Mỹ muốn có cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất mọi thời đại, chủ nhân 5 danh hiệu Quả bóng Vàng, để phát triển thương hiệu Chelsea tại thị trường quê nhà.
Nhưng bóng đá không giống với bóng chày. Hơn nữa, Ronaldo không còn trẻ để có thể phù hợp về mặt bóng đá nếu gia nhập Chelsea.
Nguồn cảm hứng lớn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của Tuchel là Ralf Rangnick với "gegenpressing", người vật lộn để ở MU mùa trước vì Ronaldo.
Với tấm gương Rangnick, Tuchel không tin tưởng Ronaldo sẽ là canh bạc thành công của Chelsea.
Nếu Lukaku đã thất bại thì Ronaldo càng khó thành công. Ngôi sao người Bồ Đào Nha thậm chí di chuyển ít và ít tạo áp lực lên hàng thủ đối phương so với đồng nghiệp mà anh đánh bại trong cuộc đua giành danh hiệu Vua phá lưới Serie A 2020-21.
Ronaldo ghi bàn khá nhiều, nhưng cũng làm giảm tổng số bàn thắng của đội (mùa trước, MU ghi số bàn thắng ít thứ 3 trong kỷ nguyên Premier League). Địa vị của anh, một người luôn đòi hỏi quyền lợi cá nhân cao trong lối chơi tập thể, có nguy cơ gây xáo trộn trong đội ngũ.
HLV Tuchel đang thảo luận với ông chủ Boehly, đưa ra lời khuyên tạm quên đi khía cạnh thương mại và tập trung vào chuyên môn. Ronaldo có thể quyến rũ về mặt thương hiệu, nhưng Sterling mới là gương mặt cần thiết với Chelsea để đua tranh chức vô địch Premier League.