Chênh lệch giá mua -bán vàng trên 3 triệu đồng/lượng
Giá vàng miếng SJC ngày vía Thần Tài vẫn neo ở mức cao trên 78 triệu đồng/lượng (bán ra), trong khi giá mua vào chỉ quanh mức 75,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua - bán lên đến hơn 3 triệu đồng/lượng.
Còn giá vàng nhẫn 9999, chênh lệch giá mua - bán cũng trên 1 triệu đồng/lượng. Vì sao khoảng cách giá mua - bán lại giãn rộng như vậy?
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho hay, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - bán này xuất phát từ sau thời điểm giá vàng tăng vọt cuối tháng 12/2023, khi Thủ tướng có chỉ đạo về quản lý thị trường vàng, giá vàng quay đầu giảm 4 - 5 triệu đồng/lượng.
“Các đơn vị kinh doanh vàng sợ rủi ro nên bung biên độ mua - bán tới 2 - 2,5 triệu đồng/lượng vàng SJC, trong khi trước đó chỉ chênh lệch khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng; họ “đẩy” rủi ro cho người tiêu dùng. Cũng không có luật nào khống chế chênh lệch tối đa giá mua - bán là bao nhiêu. Ngân hàng Nhà nước không bảo hộ giá, không quản lý giá; giá vàng thị trường tự quyết định”, ông Khánh nói.
Cũng chia sẻ với VietNamNet, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, khi giá vàng biến động, khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - bán giãn ra.
Ông cho hay, khi khan hiếm vàng, các công ty kinh doanh vàng đẩy giá chênh lệch mua - bán để đảm bảo sự an toàn cho chính doanh nghiệp đó. Khoảng cách giá mua - bán quá xa đó cũng tác động không nhỏ tới nhà đầu tư khi quyết định tham gia thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Phương, chỉ đến khoảng tháng 3, tháng 4, khoảng cách này sẽ co lại.
“Thông thường các năm, tháng 3, 4, 5 và 6 là thời điểm thị trường kém sôi động, nên khoảng cách chênh lệch giá mua - bán thu hẹp lại để kích cầu. Hiện tại, dù vàng nhẫn 9999 có chênh lệch giá mua - bán 1 triệu đồng/lượng nhưng vẫn có mức an toàn cao hơn vàng SJC.
Hơn nữa, vàng nhẫn theo sát giá thế giới hơn, nên khi giá thế giới tăng thì vàng nhẫn 9999 cũng tăng theo. Còn vàng SJC giá đã cao quá nhiều so với giá thế giới, nên khi giá thế giới tăng, khả năng sẽ khó tăng, thậm chí có thể giảm”, ông Phương lưu ý.
Mua hàng chục lượng để đầu tư… thì nên chờ
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, người dân mua vàng ngày vía Thần Tài theo tâm lý, truyền thống, phong tục.
Với khoảng cách chênh lệch giữa giá mua - bán như hiện nay, ông Khánh lưu ý, nếu mua vàng để đầu tư thì không nên mua vào ngày Thần Tài, còn mua lấy may thì chỉ nên mua 1 - 2 chỉ. Mua số lượng lớn để đầu tư thì nên đợi sau ngày Thần Tài.
“Ngày Thần Tài chỉ mua vàng lấy hên, chứ không ai đi bán vàng. Cũng không ai dại mua vàng ngày Thần Tài rồi mang đi bán ngay sau ngày đó, để bị lỗ. Giá vàng sau ngày Thần Tài thường giảm, nhưng nếu giá thế giới tăng vọt thì giá vàng trong nước cũng sẽ tăng theo, chứ không giảm”, ông Khánh nhận định.
Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Duy Phương cũng cho rằng, mua vàng ngày Thần Tài chỉ nên mua 1-2 chỉ để lấy may, không nhất thiết mua số lượng nhiều bởi khả năng rủi ro sau ngày này khá cao.
“Nếu muốn mua số lượng hàng chục lượng thì không nên mua vào ngày Thần Tài, nên chờ sang tháng 3, tháng 4 hãy mua; khi đó giá hợp lý hơn, tỷ suất lợi nhuận sẽ cao hơn. Thông thường từ quý 2, chu kỳ giá vàng thế giới đi ngang hoặc đi xuống, thị trường vàng trong nước cũng sẽ diễn biến tương tự”, ông Phương cho hay.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, dù mua vàng ngày Thần Tài để lấy may hay mua đầu tư tích góp thì nên mua vàng nhẫn 9999. Lý do, loại vàng này có mức chênh lệch với giá thế giới khá thấp so với vàng SJC; trong khi vàng SJC chênh lệch khoảng 17 - 18 triệu đồng/lượng.
“Mua vàng SJC sẽ khá rủi ro nếu Ngân hàng Nhà nước can thiệp, rút ngắn khoảng cách giữa giá trong nước và giá thế giới. Thậm chí, dù giá thế giới có lên thì chưa chắc giá vàng SJC đã tăng do giá vàng SJC chênh lệch quá nhiều. Do vậy, mua vàng SJC sẽ không có lợi cho người đầu tư. Còn mua vàng nhẫn 9999 sẽ an toàn hơn”, ông Phương nêu quan điểm.