Ngày 11/5, ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức lễ tốt nghiệp sớm cho gần 2.500 sinh viên. Trong số này, có 5,9% sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc; 26,7% tốt nghiệp loại giỏi; 58,3% xếp loại khá, xét theo điểm học tập. So với năm ngoái, tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc đều tăng nhẹ. Nếu tính số lượng sinh viên đạt cả điểm học tập và rèn luyện xuất sắc, tỷ lệ này xấp xỉ 1%.
Theo lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp sớm đạt loại giỏi, xuất sắc tăng một phần đến từ việc ngay từ khi vào trường, sinh viên đã được hướng dẫn, tư vấn để có định hướng và phương pháp học tập đúng đắn, phù hợp.
“Các em cần phải trả lời được câu hỏi, sau khi tốt nghiệp Bách khoa xong sẽ làm gì trong 3 – 4 năm. Từ đó, trong những năm đầu, các em sẽ vạch ra được lộ trình phù hợp với hoàn cảnh, khả năng, mong muốn của bản thân và gia đình”, đại diện ĐH Bách Khoa nói.
Ngoài ra, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp sau hơn 4-5 năm cũng giảm tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, ĐH Bách Khoa cũng cho rằng, việc sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng ngay lập tức yêu cầu của tất cả doanh nghiệp cũng là điều rất khó khăn. Do vậy, nhà trường đã đưa ra các chiến lược phù hợp để giúp sinh viên lựa chọn đúng con đường và phù hợp với năng lực của bản thân.
Cụ thể, đối với sinh viên muốn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, trường, khoa sẽ đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp để các em được đi trải nghiệm, quan sát, thực tập, từ đó có kiến thức cơ bản về môi trường doanh nghiệp. "Khẩu hiệu của trường đối với nhóm này là giúp sinh viên được đào tạo trong lòng doanh nghiệp", đại diện ĐH Bách Khoa thông tin thêm.
Đối với những em muốn học tiếp lên bậc thạc sĩ, tiến sĩ, các em sẽ được định hướng tham gia lab của các thầy cô trong trường. Một số lab chuyên sâu kết nối quốc tế sẽ hỗ trợ các em có kỹ năng nghiên cứu, làm bài báo và giành được học bổng tốt.
Trong khi đó, những em có ý tưởng sáng tạo, muốn khởi nghiệp, nhà trường sẽ hỗ trợ kết nối để hình thành các nhóm khởi nghiệp.
Nhờ những định hướng này, theo ông Chính, khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đợt này có việc làm đạt 85% với mức lương trung bình khoảng gần 11 triệu đồng. Số còn lại, 10% sinh viên cho biết sẽ đi học tiếp ở bậc cao hơn; 5% chưa có việc làm đúng ngành nghề hoặc còn phân vân về các lựa chọn.