Gần 5 triệu đồng/viên thuốc, uống đều vào 6h sáng hằng ngày nhưng chị H. vẫn cố gắng. Chị biết mình còn may mắn vì được điều trị để kéo dài sự sống dù mắc ung thư giai đoạn cuối.
LỜI TÒA SOẠN
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Hiện nay, ngoài các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị các liệu pháp mới như điều trị đích và miễn dịch ra đời. Tuy nhiên, điểm yếu của các phương pháp mới này là rất đắt đỏ, trong khi đó Bảo hiểm y tế (BHYT) chưa chi trả hoàn toàn. Trước năm 2019, một số thuốc được BHYT thanh toán 100% nhưng từ ngày 1/1/2019, BHYT chỉ chi trả 50%. Bài toán kinh tế đối với người bệnh ung thư luôn là mỗi trăn trở đối với các bác sĩ.
Kỳ 1: Cô giáo thoát khỏi 'lời nguyền' chỉ sống được 3 tháng dù mắc ung thư giai đoạn cuối
Chị D.T.H. (49 tuổi, giáo viên tiểu học tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn xương và não. Cầm tấm phim MRI bác sĩ lắc đầu, khuyên chị nên chấp nhận bệnh tật vì chỉ sống được ba tháng. Cơ hội đến với người phụ nữ này khi thể bệnh của chị có thể điều trị thuốc nhắm trúng đích.
Gần 5 triệu đồng/viên thuốc, uống hằng ngày
Cuối năm 2021, cơ thể của chị H. bắt đầu có biểu hiện bất thường. Thường xuyên bị ho, chị nghĩ mình bị viêm họng nên chỉ mua thuốc tự điều trị. Tháng 2/2022, chị mắc Covid-19. Sau đó, những triệu chứng ho nặng hơn nhưng nữ giáo viên vẫn cho rằng đó là biểu hiện của tình trạng hậu Covid-19. Hằng ngày, chị vẫn lên lớp dạy online. Đến đầu tháng 4/2022, chị đến Bệnh viện 74, Vĩnh Phúc, để kiểm tra. Bác sĩ cho biết chị có u ở phế quản nên cần làm sinh thiết.
Ngày 5/4/2022, chị xin chuyển tuyến xuống Bệnh viện K Hà Nội, bác sĩ chẩn đoán chị bị u ác tính phế quản và phổi giai đoạn IV. Khi đó, tế bào ung thư đã di căn kín 2 lá phổi, não, xương, khối u đỉnh phổi phải 37x26mm. Khi nghe bác sĩ nói mình chỉ còn 3 tháng để sống, người phụ nữ bàng hoàng. Nghĩ về các con, chị càng lo lắng hơn. Vượt qua giai đoạn sốc tâm lý, người phụ nữ này nghĩ rằng "buồn hay khóc mãi không thay đổi được, còn 3 tháng thì sống hết mình". Con trai đang chuẩn bị thi THPT quốc gia, nếu chị bi quan về bệnh tật, tương lai của con cũng bị ảnh hưởng.
Qua sinh thiết và xét nghiệm sinh học phân tử, chị H. chẩn đoán chuyên sâu là ung thư không tế bào nhỏ và có đột biến gene EGFR (+) exon 19. Chị H. được chuyển về khoa Nội 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Khi bác sĩ xem hồ sơ bệnh án và hỏi chị về điều kiện kinh tế. Lúc này, chị chỉ nghĩ có bán nhà để chữa bệnh cũng bằng lòng. Bởi vậy, chị thấy mình may mắn vì vẫn còn “cánh cửa” khác.
Chị H. được chỉ định sử dụng thuốc điều trị đích, mỗi ngày một viên uống đều đặn vào 6h sáng. Giá tiền một viên thuốc là 4,7 triệu đồng. Sau 2 tháng uống, kết quả chụp MRI ổ bụng, lồng ngực và sọ não cho thấy không còn nốt di căn. Đặc biệt, u phổi cũng teo đi chỉ còn 12x16mm. Chị H. được công ty hỗ trợ mua thuốc một tháng, tặng một tháng. Dù được hãng dược tặng 1:1 nhưng 8 tháng tiền thuốc cũng đã lên tới nửa tỷ đồng.
Điều trị thuốc đích, chị H. nhận thấy bệnh ung thư cũng nhẹ nhàng hơn. Người phụ nữ này không bị rụng tóc, không quá mệt mỏi. Hằng ngày, chị vẫn đến trường dạy học. Một tháng, chị xin nghỉ 1-2 ngày xuống Hà Nội kiểm tra lại. Khi khối u ổn định, chị đã chuyển sang thuốc của Bangladesh. Tuy nhiên, thuốc này chưa được cấp phép tại Việt Nam, chi phí rẻ hơn vì mua qua đường xách tay.
Chị H. chia sẻ bệnh viện không có thuốc nên bệnh nhân thường tìm mua ở các nguồn khác nhau. Mặc dù vậy, hành trình này cũng đầy rủi ro. Một lần, chị được người quen giới thiệu mua thuốc rẻ. Trung bình giá loại thuốc này khoảng 12 triệu đồng nhưng người bán chỉ rao giá hơn 9 triệu đồng/hộp. Uống thuốc được 2 tuần, chị H. ho dữ dội. Sau một tháng, kết quả kiểm tra cho thấy khối u của chị đã to lên tới 42mm. Lúc này, bác sĩ nghi ngờ chị mua phải thuốc trôi nổi, không có kiểm soát dẫn tới u to, tác dụng ho nhiều.
Trên hành trình điều trị ung thư, chị H. mong mỏi có một ngày các loại thuốc chị và nhiều bệnh nhân khác đang dùng có thể được BHYT hỗ trợ. “Tôi làm giáo viên cấp 1, có lúc tôi chợt nghĩ mỗi viên thuốc bằng cả tháng lương, bệnh phải điều trị lâu dài sẽ vô cùng khánh kiệt”.
Không phải thuốc chữa khỏi ung thư
Hiện nay, việc điều trị bệnh ung thư hiện nay có nhiều tiến bộ. Ngoài các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, các phương pháp điều trị mới như điều trị nhắm trúng đích, điều trị miễn dịch, liệu pháp sinh học... Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng phù hợp để điều trị bằng cách biện pháp này.
Ví dụ, tại một bệnh viên tuyến trung ương ở Hà Nội, nữ bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, trú tại Hà Nội) bị ung thư phổi được sử dụng thuốc điều trị đích thế hệ 2 bởi kết quả xét nghiệm để tìm đột biến gen EGFR của mẫu mô sinh thiết: phát hiện đột biến L858R trên exon 21, không phát hiện đột biến T790M trên exon 20. May mắn, loại thuốc mà người này sử dụng được BHYT hỗ trợ thanh toán 50%.
Một trường hợp khác điều trị tại cơ sở y tế này cũng mắc ung thư phổi là nữ bệnh nhân Đ.H.L (40 tuổi, trú tại Hà Nội). Chị phải chống chọi với cơn đau bằng morphin bởi không phù hợp để điều trị bằng thuốc. Hiện tại, bác sĩ chỉ hỗ trợ triệu chứng, chăm sóc giảm nhẹ để bệnh nhân bớt đau đớn.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, TP.HCM, thuốc điều trị đích hay miễn dịch trong bệnh ung thư hiện nay vẫn được xem là đắt đỏ so với kinh tế của người Việt Nam. Tuy nhiên, so với mặt bằng các quốc gia khác, giá thuốc đã giảm hơn.
Ngoài ra, theo bác sĩ Vũ, hiện nay, thuốc điều trị đích hay miễn dịch trong ung thư ở nước ta chưa được cấp phép nhiều. Điều này đã dẫn tới nhiều người bệnh tự tìm mua thuốc qua các đường không chính thống, khó kiểm soát hơn.
Một bác sĩ điều trị ung thư tại Hà Nội cũng tâm sự nhiều bệnh nhân gia đình có điều kiện nhưng khi bác sĩ lên phác đồ điều trị khoảng 2 tỷ đồng, họ đã từ chối bởi muốn dành số tiền này cho con cháu. Dù vậy, có bệnh nhân lại liên tục hỏi bác sĩ “tôi có thể điều trị bằng thuốc đích được không, bán nhà tôi cũng muốn được sống”. Tuy nhiên, xét nghiệm sinh học phân tử cho thấy họ không đáp ứng được điều kiện điều trị đích hay miễn dịch.
Ví dụ, một bệnh nhân điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ bằng loại thuốc đã được phê duyệt tại Việt Nam từ năm 2017. Trước đây, thuốc có giá 55 triệu đồng, hiện đã giảm còn 40 triệu/lọ, có người phải sử dụng 2 lọ. Một tháng điều trị, người bệnh sẽ được hỗ trợ thêm 1 tháng. Chi phí liệu trình cho bệnh nhân kết hợp thuốc khác khoảng 60 đến 70 triệu đồng. Quá trình điều trị lâu dài bởi có người cần tới 35 liệu trình. Như vậy, bệnh nhân sẽ tốn khoảng 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng điều trị và đến nay thuốc đích hay thuốc miễn dịch vẫn chỉ là có tác dụng hỗ trợ kéo dài thời gian sống chứ không phải thuốc điều trị khỏi bệnh ung thư. Do đó, các bác sĩ đều phải đắn đo cân nhắc, giải thích cho người bệnh.
Ngoài ra, bác sĩ Vũ cũng cho rằng cơ quan quản lý nên cấp phép thêm các thuốc điều trị ung thư đã được Cục Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông qua để người bệnh có thể tiếp cận nhiều thuốc hơn, tránh nguy cơ mua hàng trôi nổi qua đường xách tay.
Bài toán hiệu quả điều trị - kinh tế
Thuốc điều trị nhắm đích, thuốc miễn dịch là thuốc mới, chi phí đắt đỏ, nhiều loại cơ quan BHYT không chi trả. Điều đó khiến các bác sĩ nhiều lần đứng trước bài toán hiệu quả điều trị - kinh tế khi lên phác đồ cho người bệnh.
Kỳ 2: Thuốc trị ung thư đắt đỏ: Điểm nghẽn khi giải bài toán hiệu quả điều trị - kinh tế
Bệnh nhân ung thư và người thân thường có tâm lý còn nước còn tát và sẵn sàng tìm mọi cách nếu còn cơ hội điều trị dẫn tới mua nguồn thuốc không chính quy.
Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, việc điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ hơn so với 20 năm trước. Tuy nhiên, đây là căn bệnh phức tạp, các loại thuốc mới đắt đỏ nhưng cũng không phải "thuốc tiên".
Mỗi lọ thuốc miễn dịch có giá từ 55 tới 60 triệu đồng, người bệnh ung thư có thể phải sử dụng 1-2 lọ trong một liệu trình. Do đó, người bệnh sẽ tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ để kéo dài sự sống bởi không thể chữa khỏi hoàn toàn.