Con tàu siêu tốc đáng tự hào của Nhật Bản này chỉ còn cách thảm họa trật đường ray đúng 3 centimet. Đó là kết luận cuối cùng của cơ quan vận hành con tàu trên, Đường sắt Miền Tây Nhật Bản (JR West). Ngày 11 tháng Mười Hai vừa rồi, người ta đã phát hiện ra một vệt nứt dài 14 cm bên dưới con tàu điện. Các chuyên gia nói rằng nếu như toàn bộ cái khung dài 17 cm này bị đứt rời ra, toàn bộ con tàu sẽ đứng trước nguy cơ trật bánh.
Thứ Tư vừa rồi, chủ tịch của JR West, ông Tatsuo Kijima đã xin lỗi công chúng vì sự cố này, và nói rằng: "Chúng tôi biết rằng sự cố này khiến lòng tin của người dân vào hệ thống sẽ bị lung lay và tôi xin gửi lời xin lỗi sâu sắc tới mọi người".
Cụ thể, vào chiều ngày 11/12, lúc 13 giờ 50 phút, nhân viên bán nước trên tàu phát hiện ra một mùi lạ và đã báo cáo lên những người phụ trách cấp cao hơn. Tại trạm dừng thứ tư – nhà ga Okayama, một nhân viên bảo trì đã lên tàu và tiến hành kiểm tra mọi thứ. Anh nhận thấy có những âm thanh kỳ lạ phát ra và có yêu cầu cấp trên kiểm tra kỹ lưỡng lại con tàu ở nhà ga tiếp theo.
Tuy nhiên, Trung tâm Điều khiển Shinkansen tại Tokyo cho rằng không có mối đe dọa tức thời nào có thể ảnh hưởng tới con tàu. Họ cho nó tiếp tục lộ trình của mình. Con tàu tiếp tục chạy với vận tốc cao trong 3 giờ nữa trước khi bị dừng lại ở ga Nagoya.
Sau khi phát hiện ra vết nứt đáng nghiêm trọng này, Ban An toàn Giao thông Nhật Bản đã được triệu tập. Nhiều ủy ban tuyên bố rằng tai nạn này rất "nghiêm trọng" – đây là lần đầu tiên tuyên bố này được đưa ra kể từ ngày đầu tiên tàu siêu tốc được ra mắt nằm 1964.
Chủ tịch hội đồng, ông Kazuhiro Nakahashi nói rằng "rất ít khả năng vết nứt kia đã đột ngột xuất hiện". Chắc hẳn nó đã nứt dần ra trong nhiều lần vận hành. Để chắc chắn sự việc này sẽ không diễn ra trong tương lai, JR West sẽ tiến hành kiểm tra mọi con tàu điện siêu tốc tại vị trí mà vết nứt trên xuất hiện. Họ cũng dự kiến lắp đặt một hệ thống cảm biến phát hiện vết nứt tương tự - không cần dùng mũi và tai để phát hiện sự cố nữa.
Việc điều tra đã được khẩn trương tiến hành, xác định toàn bộ những công ty đã tham gia vào việc thi công, lắp ráp con tàu siêu tốc trên. Các chuyên gia hàng đầu đều tỏ ra lo lắng rằng sự cố này đã có thể trở thành một tai nạn tàu siêu tốc thảm khốc, và rằng nếu đã có một lần, ắt sẽ có thể có lần thứ hai.
Hệ thống tàu siêu tốc vẫn đang là biểu tưởng của sức mạnh kỹ thuật Nhật Bản, kể từ khi nó bước vào hoạt động những năm 1960. Những nhà vận hành tàu siêu tốc tự hào rằng từ lúc ấy đến giờ, chưa một tai nạn gây tử vong nào diễn ra và họ muốn giữ vững thành tích ấy.
Theo GenK