PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết người đàn ông quê Hưng Yên không mắc bệnh lý ở tai nhưng có một khối u xuất phát từ thanh quản, xác định là ung thư thanh quản.
Bác sĩ Đào cho biết về cơ bản, bất kỳ bệnh lý nào nằm trong vùng cảm giác của các dây thần kinh sọ V, VII, IX và X và các dây thần kinh cổ trên C2 và C3 đều có thể gây đau tai (hay còn gọi là đau tai quy chiếu). Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng đau tai không tương quan với mức độ nghiêm trọng của bệnh, ví dụ: Sâu răng có khả năng gây đau tai liên tục, trong khi ung thư thanh quản có thể gây đau tai nhẹ hơn nhiều.
Nếu đau tai nhưng khi thăm khám không thấy tổn thương các cấu trúc của tai (bằng hỏi bệnh, nội soi, chụp cắt lớp vi tính xương thái dương), thầy thuốc bắt buộc phải đánh giá các cấu trúc khác vùng đầu cổ như họng, thanh quản, mũi xoang.
Ung thư thanh quản là loại ung thư hay gặp ở Việt Nam. Bệnh này chủ yếu gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, liên quan nhiều tới yếu tố nguy cơ là rượu và thuốc lá; độ tuổi 50 - 70 chiếm 72%, từ 40 - 50 tuổi chiếm 12%.
Giai đoạn đầu bệnh không có triệu chứng rõ ràng, bệnh nhân thường bỏ qua, dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác.
5 dấu hiệu nhận biết ung thư thanh quản
- Khàn tiếng: Nếu chứng khản tiếng kéo dài trên 3 tuần, đặc biệt ở độ tuổi trên 40 cần được xét nghiệm, thăm khám kịp thời. Đây là triệu chứng ung thư thanh quản sớm, thường gặp và đôi khi là duy nhất ở nhiều bệnh nhân.
- Ho là biểu biểu hiện của nhiều bệnh về đường hô hấp như: viêm họng, viêm amidan,… nhưng cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc bệnh ung thư thanh quản nên mọi ngườ cần cẩn trọng. Khi mắc bệnh này, chứng ho kín đáo hơn và mang tính chất kích thích, đôi khi có từng cơn ho kiểu co thắt.
Ở giai đoạn muộn bệnh nhân còn thấy nuốt khó, sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở gây nên những cơn ho sặc sụa.
- Khó thở: Có thể xuất hiện sớm hoặc cùng lúc với khàn tiếng. Kích thước khối u ngày càng tăng thì khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp. Lúc đầu khó thở chỉ xuất hiện khi gắng sức (lên cầu thang, mang vật nặng…), nhưng về sau biểu hiện rõ rệt và thường xuyên hơn.
- Khó nuốt: Thường xuất hiện sau chứng khàn tiếng và khó thở, lúc này khối u đã lan ra vùng hầu họng kèm theo dấu hiệu đau tai. Bệnh nhân ở giai đoạn này không ăn cơm được, chỉ ăn cháo hoặc uống sữa, thậm chí phải đặt ống sonde dạ dày để bơm thức ăn.
- Sút cân
Khi phát hiện ung thư thanh quản, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị cụ thể. Một số phương pháp có thể sử dụng là:
- Phẫu thuật: ở giai đoạn sớm các bác sĩ có thể sử dụng phẫu thuật cắt dây thanh, vẫn có thể bảo tồn giọng nói. Khi đến giai đoạn muộn, phải cắt thanh quản bán phần, hoặc cắt thanh quản toàn phần, kèm theo phẫu thuật nạo vét hạch cổ.
- Xạ trị và hóa trị bổ trợ: sau phẫu thuật, bệnh nhân cần được tia xạ hậu phẫu và điều trị hóa chất phối hợp, kèm theo nâng cao thể trạng và tình trạng miễn dịch chung.