Cuối năm, trên mạng xã hội, nhiều người rủ nhau trồng loại củ "thần tài" hình dáng tròn trĩnh, màu đỏ như son để chơi Tết với mong ước rước tài lộc, đón may mắn vào nhà.
"Củ cải thần tài"
Những ngày qua, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng ảnh, khoe thành quả trồng loại củ hình dáng tròn trĩnh, có màu đỏ như son để chơi Tết. Nhiều củ còn được người chơi trồng vào các loại chậu nghệ thuật, có thiết kế đẹp mắt.
Người chơi gọi đây là củ cải đỏ "thần tài". Chị Nguyễn Thị Thơm (Hải Phòng) được biết đến là một trong những người đầu tiên trồng loại củ này để bày dịp Tết 2024.
Chị chia sẻ: “Tôi thấy Tết nào nhà cũng bày đào, lan, cúc… nên năm ngoái muốn tìm loại cây, hoa mới, độc lạ hơn. Tôi thấy củ cải đỏ hình dáng tròn trịa, màu đỏ đẹp mắt nên thử trồng vào chậu rồi mang vào nhà bày Tết.
Loại củ này tròn trịa, màu đỏ nên được gọi là củ cải đỏ 'thần tài'. Tôi trồng nó để bày Tết với ý nghĩa năm mới tròn đầy, vẹn toàn, rước tài lộc, may mắn. Tôi cũng đem lên nơi làm việc bày. Ai cũng khen đẹp, độc đáo rồi hỏi mua, xin kinh nghiệm trồng”.
Đây cũng là năm thứ 2 chị Ngô Hương (Bắc Giang) trồng củ cải đỏ "thần tài" bày Tết. Sau 3 tháng chăm bón, chị đã đưa những cây củ cải của mình vào chậu sứ.
Chị chọn loại chậu nhỏ có trang trí thêm tượng Phật Di Lặc để trồng với ý nghĩa rước tài lộc trong năm mới.
“Vì củ cải đọc nghe gần giống với từ của cải nên nhiều người trồng với mong muốn mang lại tài lộc”, chị nói.
Cùng niềm tin, chị Trang Vy (Bắc Giang) cũng tất bật chăm sóc những chậu củ cải đỏ "thần tài". Những năm trước, chị chỉ trồng củ cải dài, củ cải Hàn Quốc.
Năm nay, chị quyết định chuyển sang trồng loại cây này.
Chị nói: “Ngoài ý nghĩa mang đến tài lộc, loại củ này có màu đỏ rất đẹp mắt, thích hợp trang trí Tết. Tôi trồng để không gian Tết của gia đình có thêm gam màu mới”.
Chăm sóc công phu
Trong khi đó, chị Đỗ Minh Ngọc Hảo (Long An) trồng củ cải đỏ "thần tài" vì thích cảm giác chờ đợi củ cải lớn, trồi lên mặt đất tượng trưng cho sự phát triển.
Hiện, chị có khoảng 20 gốc củ cải đỏ "thần tài" chưa đạt chuẩn để lên chậu. Mỗi ngày, chị dành thời gian chăm bón để chúng phát triển.
Lần đầu trồng, khí hậu không thích hợp nên chị phải dành nhiều thời gian chăm sóc. Chị trồng trên đất tơi xốp, không quá ẩm, bón phân hữu cơ mỗi tuần.
Chị thường xuyên tỉa lá vàng, già giúp phần củ được tập trung dinh dưỡng. Chị bắt sâu mỗi tối để cây phát triển trong điều kiện tốt nhất.
Chị nói: “Khi cây lớn, tôi cào nhẹ đất quanh gốc cho tơi xốp, củ dễ trồi lên. Tôi ở miền Nam, khí hậu không thích hợp nên củ không đỏ đẹp, bóng mịn. Để khắc phục, tôi cho củ nằm dưới đất để nó lên màu. Khi đạt, tôi đào lên, trồng vào chậu”.
Trong khi đó, chị Thơm chú trọng chăm sóc cả củ lẫn tán lá. Với chị, củ cải đỏ "thần tài" đạt chuẩn phải có củ tròn đều, cân đối, vỏ đỏ tươi, bóng mịn, không nứt, sâu.
Ngoài ra, phần lá phải to, dày, xanh tỏa tròn sum sê mới thể hiện được ý nghĩa năm mới tròn đầy, thịnh vượng, phát triển, chị lý giải.
Sức hút của loại củ độc đáo này cũng khiến nhiều nhà vườn nhập hàng về kinh doanh. Chủ một nhà vườn tại Vĩnh Long cho biết, do số lượng trong nước có hạn, anh phải nhập củ cải đỏ "thần tài" từ Hàn Quốc về bán.
Khi nhập, củ đã được lên chậu, trang trí đẹp mắt. Nhà vườn rao bán các chậu củ cải đỏ "thần tài" này với giá từ 90.000-200.000 đồng/chậu và nhanh chóng hết hàng sau ít ngày.
Cây cảnh “Tùng cổ long ẩn” với tuổi đời hơn 300 năm của một người yêu cây đất Việt Trì (Phú Thọ) đang trở thành niềm mơ ước của rất nhiều người khi nó được trao danh hiệu là một trong 100 cây cảnh đẹp nhất thế giới.
Trong lần về Nam Định, ông Thành gặp chậu cây chẳng khác nào khúc củi tươi nhưng ông vẫn bỏ vài triệu đồng mua. Chẳng ngờ, 2 năm sau, người ta trả giá lên tới cả bạc tỷ.