Những con số trên được đưa ra trong báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị đánh giá thêm về việc cấp căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, đồng thời tính toán chi phí, ngân sách Nhà nước bảo đảm cho việc triển khai thực hiện luật.
“Dự thảo luật đã bổ sung và quy định rõ việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân”, Chính phủ nêu rõ.
Theo Chính phủ, việc bổ sung quy định này là khả thi, bởi hiện đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của Chính phủ, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Chính phủ cũng dẫn pháp luật của nhiều nước trên thế giới quy định về việc cấp thẻ căn cước cho cả người dưới 14 tuổi đã góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính, đồng thời phát huy được giá trị của việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Giải trình thêm về chi phí, lợi ích kinh tế - xã hội đem lại, Chính phủ tính toán với 19 triệu công dân dưới 14 tuổi, ước tính số tiền mà Nhà nước và xã hội phải chi cho một số ít loại giấy tờ trên là khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ (từ 2.000 đồng đến 10.000 đồng/trang).
Trong khi đó, chi phí sản xuất mỗi thẻ căn cước là 48.000 đồng. Với 19 triệu trẻ dưới 14 tuổi nếu đều có nhu cầu cấp căn cước, chi phí tốn khoảng hơn 900 tỷ đồng. Chi phí cấp đổi, cấp lại cho người dưới 14 tuổi nếu bị mất, đổi theo nhu cầu do công dân thanh toán, không tốn ngân sách Nhà nước.
Từ những phân tích trên, Chính phủ khẳng định hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.